Lao động
Bến Tre: Điểm sáng trong công tác xuất khẩu lao động
09:48 AM 19/11/2017
(LĐXH) - Nhờ tham mưu tốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động bằng nhiều hình thức, đa dạng và phong phú nên phong trào xuất khẩu lao động của tỉnh Bến Tre trong 10 năm qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, đã góp phần vào phát triển kinh tế gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Công tác xuất khẩu lao động tại Bến Tre 10 năm qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng phòng Lao động -Tiền lương-Bảo hiểm cho biết: “ Xác định xuất khẩu lao động là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, trong những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, về công tác tuyên truyền, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về xuất khẩu lao động, nhằm giúp cho cán bộ và nhân dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội bằng nhiều hình thức phù hợp, linh hoạt đã tuyên truyền đầy đủ về chế độ, chính sách cũng như quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người lao động để gia đình và người lao động thông suốt, yên tâm đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền các văn bản hưỡng dẫn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình của tỉnh xây dựng 31 chuyên mục về xuất khẩu lao động, với 86 lượt phát song, Đài truyền thanh của các huyện, thành phố đã phát 87 chuyên mục, với 500 lượt phát song về xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, từ năm 2007 đến cuối năm 2016, nguồn ngân sách tỉnh đã cấp cho Trung tâm dịch vụ việc làm trên 800 triệu đồng để thực hiện công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động. Với kinh phí trên, trung tâm đã tổ chức 43 buổi hội thảo, tọa đàm về xuất khẩu lao động, có 798 người tham dự. Lắp đặt 200 pa nô quảng cáo tại 80/164 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, khoảng 1.000 băng rôn và phát hành khoảng 200.000 tờ rơi để cấp phát đến tổ nhân dân tự quản và người lao động trong tỉnh. Phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tư vấn và đối thoại trực tiếp tại các xã, thị trấn khoảng 2.573 buổi, với 194.787 lượt người tham dự. Xây dựng trang web tại trung tâm( với địa chỉ: www.vieclambentre.net) để thường xuyên cập nhật và truyền tải thông tin về xuất khẩu lao động đến với người lao động.

Kết quả, từ năm 2007 đến tháng 3 năm 2017, người lao động của Bến Tre đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 5.447 người. Trong đó chia theo thị trường: Nhật Bản 3.117 người; Hàn Quốc 1.108 người; Malaysia 519 người; Đài Loan 548 người và các nước khác là 155 người. Số lao động đã về nước là 3.644 người, trong đó có 65 lao động về nước do vi phạm hợp đồng. Số lao động đang làm việc ở nước ngoài là 1.803 người, trong đó tham gia lần 2 và gia hạn là 29 người, cư trú bất hợp pháp là 91 người.

Sau 10 năm thực hiện Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có sự thay đổi rõ nét và xác định xuất khẩu lao động là con đường tốt nhất để thay đổi  đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Có nhiều lao động trước đây thuộc hộ nghèo, sau khi đi xuất khẩu lao động trở về thoát nghèo một cách bền vững và trở thành hộ khá, giàu. Nhiều người còn trở thành nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên theo ông Chương thì bên cạnh những kết quả đã đã được thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Chính sách vay vốn cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách tham gia xuất khẩu được mở rộng nhưng cũng còn những hạn chế nhất định; Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện theo đúng nội dung nhưng sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, báo đài, còn thiếu tính đồng bộ, tính thống nhất và sức thuyết phục chưa cao trong định hướng dư luận, làm ảnh hưởng đến nhận thức của người lao động về mục đích của xuất khẩu lao động trong nhân dân; Một số địa phương cấp Uỷ đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đối với công tác xuất khẩu lao động, nên công tác triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ..

                                                                          Lê Việt