Văn hóa - Thể thao
Bế mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027
08:02 AM 30/11/2022
(LĐXH)- Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, sáng 29-11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 đã thành công tốt đẹp và tiến hành phiên bế mạc. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tham dự phiên bế mạc có đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các giáo chức, tăng ni, phật tử.
Đại hội đã thông qua những nội dung đánh giá kết quả Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022); đồng thời, nhất trí thông qua phương hướng, nhiệm vụ gồm 12 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện thành công chương trình hoạt động của Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 được trình trước đại hội.
Đại hội nhất tâm suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bổ sung chư tôn đức tham gia Hội đồng Chứng minh, nâng tổng số thành viên Hội đồng Chứng minh nhiệm kỳ IX (2022-2027) là 112 vị, trong đó có 30 thành viên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh.
Đại hội đã tiến hành suy cử Hội đồng Trị sự gồm 235 ủy viên chính thức, 45 ủy viên dự khuyết, trong đó có 65 thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; nhất tâm suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp tục đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Nghi thức suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đại hội nhất trí thông qua Bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (sửa đổi) gồm lời nói đầu và 14 chương, 87 điều. Thông qua danh sách tấn phong tăng ni lên hàng giáo phẩm gồm 268 Hòa thượng, 1.102 Thượng tọa, 391 Ni trưởng, 1.581 Ni sư.
Tại đại hội, sau nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là nghi lễ tụng bài Kinh Chuyển Pháp luân bày tỏ ý chí, nguyện vọng của Đại hội kính dâng Đức Pháp chủ. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban Đạo từ tới đại biểu đại hội và tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo, Trưởng ban tổ chức đại hội đọc diễn văn bế mạc đại hội cho biết, các nội dung thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, 2022-2027 là kim chỉ nam cho các hoạt động Phật sự trong 5 năm tới, đặc biệt là trong những chặng đường phát triển tiếp theo cùng với sự đi lên của đất nước.
Với tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”, đại hội đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự. Hội đồng Trị sự khóa IX thực sự là tập thể đoàn kết, hòa hợp, vững mạnh trong điều hành phật sự với số lượng phù hợp, chất lượng nâng cao, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện; đồng thời, có trình độ chuyên môn, có khả năng đoàn kết tăng ni, phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ hội nhập và phát triển.  
 Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban đạo từ
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết: “Ngay sau khi đại hội bế mạc, tất cả các ban ở trung ương và địa phương cần phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về kết quả thành công của đại hội, nghiên cứu phổ biến nghị quyết, diễn văn tại đại hội, khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức để xây dựng và phát triển chương trình hoạt động Phật sự”.
Trong đạo từ ngay sau nghi lễ suy tôn, Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng hồi tưởng năm 1981 - thời điểm chín hệ phái Phật giáo hai miền đã thống nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội lần thứ nhất GHPGVN chỉ có 100 đại biểu và “các vị là những viên ngọc quý”.
Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng nhắc lại, Đệ nhất Pháp chủ - Đại lão hòa thượng Thích Đức Nhuận - đề ra và tha thiết vấn đề đào tạo tăng tài. Ngài từng nói chùa mà không có tăng coi như không có. Có tăng mà tăng thất học thì càng nguy hiểm hơn. Vì vậy, ngài coi trọng giáo dục Phật giáo để mở mang trí tuệ. Từ đó đến nay đã có nhiều lớp tăng sĩ có học vị từ cử nhân đến tiến sĩ.
Đệ tam Đức Pháp - Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - đã nhìn thấy tăng ni có sở học nhưng đạo hạnh có phần khiếm khuyết, nặng lý luận, tranh chấp hơn thua nên rất lo. Vì vậy, ngài đã gọi Hòa thượng Thích Trí Quảng đến, nói rằng bản thân tuổi đã cao, muốn làm nhiều việc nhưng không được. Vì vậy, Đức đệ tam Pháp chủ đề nghị xây dựng Hội đồng Giám luật để chấn chỉnh đạo phong tăng ni. Đạo phong khiếm khuyết sẽ làm tổn thương giáo hội không ít. Hội đồng Giám luật GHPGVN được thành lập, do Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Chủ tịch.
Đó là hai vấn đề quan trọng nhất của Giáo hội mà hai vị Pháp chủ để lại. Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng nhấn mạnh, Giáo hội nêu cao trí tuệ và kỷ cương bởi: “Có trí tuệ mới có kỷ cương. Trí tuệ giúp ta thấy những gì đáng làm, đáng nói, đoàn kết. Trí tuệ và kỷ cương giúp chúng ta phát triển bền vững”. Đức Pháp chủ đề nghị tăng ni, Phật tử phát huy các nhân tố tốt, khắc phục những điều chưa tốt để xã hội tốt đẹp hơn.
Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng lưu ý Giáo hội cần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài để đề bạt vào tất cả chức danh trong giáo hội. Nếu không có nhân tài, không có những người tiêu biểu thì Phật giáo sẽ suy.
 Đức Pháp chủ nhấn mạnh: “Bây giờ chúng ta phải tìm những nhân tố tích cực đó. Họ đang ẩn cư, đang tu học ở các tu viện, trường đại học, phát triển và mời họ về cùng chung sức xây dựng giáo hội tốt đẹp hơn”./.

Thảo Lan