Lao động
Bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ trong các ngành nghề độc hại, nguy hiểm: Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị
03:47 PM 05/09/2019
(LĐXH) - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số vấn đề có thể không còn phù hợp.
Theo đó, có những quy định bảo vệ lao động nữ, mặc dù mục đích hướng đến là tốt và không phân biệt đối xử, song có thể dẫn đến phân biệt đối xử trên thực tế như cấm một số công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam.
Nhiều nước công nghiệp phát triển đều đã từng ban hành danh mục công việc không được phép sử dụng lao động nữ hoặc thông qua các Tổ chức lao động quốc tế (ILO) có quy định việc cấm và hạn chế sử dụng lao động nữ làm nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc trong điều kiện lao động có hại cho sức khỏe và thiên chức làm mẹ như: Công ước số 4, số 89 (cấm làm việc ban đêm); số 45 (cấm làm việc trong hầm mỏ); số 13, Điều 3 (cấm tiếp xúc chì trắng); số 136 (cấm tiếp xúc với các chất Benzen); số 3, số 103 (bảo vệ phụ nữ đang mang thai); số 127 (giới hạn trọng lượng mang vác tối đa)…
Từ việc ban hành Luật tại các quốc gia…
Tại các quốc gia phát triển, Công ước CEDAW quy định quyền của phụ nữ “Quyền được bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động, kể cả bảo vệ chức năng sinh đẻ” đều được quy định cụ thể và rõ ràng. Điển hình như Vương quốc Anh, Luật Doanh nghiệp năm 1844 của nước này đã quy định việc cấm lao động nữ làm việc ban đêm và cấm lao động nữ làm việc trong hầm mỏ; cấm lao động nữ làm các công việc khác như làm sạch các máy móc trong công nghiệp, làm việc, tiếp xúc với các hóa chất độc hại…
Pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định về việc không được sử dụng lao động nữ
trong môi trường nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm
Tại Úc, bản danh mục công việc cấm sử dụng lao động nữ trong một số công việc được ban hành từ thế kỷ 19 tại các Bang khác nhau của nước này vào các thời điểm khác nhau. Tại Pháp, Luật Lao động năm 1874 quy định, cấm lao động nữ làm việc ban đêm, làm việc trong hầm mỏ và trong các môi trường liên quan đến chế tạo máy móc. Tại Nhật Bản, theo Luật Tiêu chuẩn lao động năm 1947 quy định cấm lao động nữ làm việc ban đêm (từ 10h đêm đến 5h sáng hôm sau). Bản danh mục cấm sửu dụng lao động nữ trong 26 danh mục công việc đưuọc coi là nguy hiểm, nặng nhọc như: cấm lao động nữ làm việc trong hầm mỏ; cấm lao động nữ mang vác năng trên 30kg khi công viêc mang vác không phải là thường xuyên trong giờ làm việc và 20 kg nếu như công việc mang vác là liên tục.
Nhìn chung, ở các nước công nghiệp phát triển thì hầu hết các công việc sủ dụng lao động nữ đã không còn tồn tại. Năm 1976, Hội đồng kinh tế Châu âu (EEC) thông qua Chỉ thị yêu cầu tất cả các nước thành viên xem xét lại những quy định chỉ áp dụng đơn lẻ cho lao động nữ, có ảnh hưởng tới cơ hội và sự bình đẳng của lao động nữ trong quan hệ lao động. Đặc biệt là xem xét và xóa bỏ bản danh mục các công việc cấm sử dụng lao động nữ. Năm 1987, Ủy ban Châu âu (EC) lại ra Chỉ thị yêu cầu các nước thành viên nhanh chóng khẩn trương rà soát lại các quy định có ảnh hưởng tới quyền bình đảng về việc làm của lao động nữ. Sau khi Chỉ thị này ban hành, hầu hết các nước trong khối EC đã tiến hành những bước cơ bản để rà soát và xóa bỏ dần bản danh mục các công việc cấm sử dụng lao động nữ với quan điểm là phải cải thiện điều kiện làm việc, thiết kế nhiều loại công việc để phù hợp với tất cả nọi người. Tại Vương quốc Anh, bản danh mục công việc  cấm sử dụng lao động nữ đã được rà soát từ năm 1979, và những công việc cuối cùng đã được xóa bỏ vào năm 1989; tại Pháp vào năm 1983 và tại Úc vào năm 1989. Tuy nhiên, luật pháp của các nước này vẫn duy trì việc cấm lao động nữ có thai và đang cho con bú làm việc tiếp xúc với một số hóa chất khác được chứng minh là có hại cho thai nhi như chì, benzene…
Tại các nước ASEAN, việc cấm lao động nữ làm việc ban đêm làm việc trong hầm mỏ được hầu hết luật pháp lao động ASEAN quy định như Đạo luật số 1 năm 1951 và pháp lệnh về lao động ngày 27/2/1996 của Indonesia; Luật số 115 của Singapore; Bộ luật Lao động số 265 năm 1955 được sửa đổi vào năm 1981 của Malaysia. Tại Thái Lan, theo Chương 2 của tuyến bố số 103 của Hội đồng hành chính quốc gia thì người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ vào làm các công việc làm sạch máy hoặc mô tơ đang chuyển động; làm việc trên giàn giáo trong các công trình xây dựng cao trên 10m so với mặt đất; vận hành máy cưa vòng; làm các công việc liên quan đến chế tạo máy, vận chuyển các vật liệu dễ cháy nổ; khai thác mỏ dưới lòng đất; mang vác nặng quá 30kg…
Tại các nước đang phát triển, bảng danh mục các công việc cấm sử dụng lao động nữ vẫn còn tồn tại. Nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam trong những năm gần đây vẫn ban hành bản danh mục cấm sử dụng lao động nữ do điều kiện lao động thể lực và lao động nặng nhọc vẫn còn. Khi công việc lao động thủ công và nặng nhọc, có thể nhìn thấy rất rõ sự chênh lệch giữa nam và nữ, điều kiện lao động tại một số nghề mà công việc chưa đươc đảm bảo.
… Đến kinh nghiệm cho Việt Nam
Tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định về việc không được sử dụng lao động nữ trong môi trường nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm, điển hình như: Thông tư 05/TT-LB-Y tế (1986) quy định các điều kiện cấm sử dụng lao động nữ: độ chại, nặng nhọc hoặc điều kiện vật lý không bình thường; Thông tư 09/TT-LB (1986) quy định 105 danh mục công việc cấm sử dụng lao động nữ; Thông tư 03/TT-LB năm 1994 quy định cấm sử dụng 49 danh mục đối với lao động nữ; 83 danh mục đối với lao động nữ mang thai và đang cho con bú; Thông tư 40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT năm 2011  quy định 45 danh mục công việc cấm sử dụng đối với lao động nữ; 79 công việc đối với lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH năm 2013 quy định cám 38 danh mục công việc đối với lao động nữ và 77 công việc đối với lao động nữ mang thai…
Theo đó, các danh mục công việc cấm không được sử dụng lao động nữ bao gồm: Nơi có áp suất lớm hơn áp suất khí quyển; trong việc trong hầm lò; nơi cheo leo nguy hiểm; nơi làm việc không phù hợp với thần kinh, tâm lý phụ nữ; ngâm mình thường xuyên dưới nước, ngâm mình dưới nước bẩn, dễ bị nhiễm trùng; công việc nạng nhọc quá sức; tiếp xúc với phóng xạ hở; trực tiếp tiếp xúc với hóa chất có khả năng gây biến đổi gen…
Đặc biệt, BLLĐ hiện hành quy định Điều 155 về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, bao gồm: (i) Người SDLĐ không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; (ii) Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn được hưởng đủ lương. Điều 160 quy định những công việc không được sử dụng đối với lao động nữ, bao gồm: Công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ LĐ – TBXH chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành; công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước; công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ…
Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, một trong những nội dung trọng tâm mà Bộ LĐ-TBXH chủ trì và phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Bộ luật, trong đó có danh mục độc hai nguy hiểm đối với lao động nữ, nhằm tham vấn đông đảo các đối tượng và truyền thông, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo Bộ luật. Đặc biệt, Dự thảo mới BLLĐ (sửa đổi) quy định tại Điều 138 về Bảo vệ thai sản: “Nếu không có sự đồng ý của NLĐ thì người sử dụng lao động không được sử dụng NLĐ để làm thêm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hay tháng thứ 6, nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo”. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật lần này đã thêm vào cụm từ “nếu không có sự đồng ý của NLĐ”.
Tại Hội thảo tham vấn về Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, điểm mới trong chính sách đối với lao động nữ trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là tiến tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Người lao động (NLĐ) bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; NLĐ có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động; Cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của NLĐ, thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới (trong đó Điều 137).
Vì sự phát triển của nguồn nhân lực và tương lai của đất nước, thiết nghĩ, cần phải lấy ý kiến đầy đủ các đối tượng chịu sự điều chỉnh theo hướng quan tâm đến lợi ích lâu dài, bởi các quy định trong dự thảo Luật mặc dù tưởng như tạo quyền và cơ hội làm việc cho lao động nữ, song thực tế dễ tạo ra những bất lợi ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của lao động nữ cũng như sự phát triển của thai nhi.

Nam Khánh