Xã hội
Bảo vệ trẻ em là việc làm thường xuyên hàng ngày trong gia đình – trường học – xã hội
05:36 PM 06/06/2020
Luật trẻ em số: 102/2016/QH13 quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. 
Tại điều 11 Luật trẻ em quy định: Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình, và vận động nguồn lực cho trẻ em. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.
Lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 tại Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngày 01 tháng 6 năm 2020, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội đã phát động đã phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề: CHUNG TAY BẢO VỀ TRẺ EM, PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM  
Luật trẻ em quy định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em bao gồm: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hệ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc đã được Chính phủ quy định  chi tiết một số điều của Luật trẻ em tại Nghị định 56/2017/NĐ – CP ngày 09/5/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
 Kể từ khi Luật trẻ em chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017 đến nay, công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được những thành tựu nhất định, đó là số trẻ em được thu hưởng các chính sách an sinh xã hội ngày càng được quan tâm, số trẻ em được đi học đúng độ tuổi năm sau cao hơn năm trước, số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được trợ giúp kịp thời. Tuy nhiên hiện nay tình trạng trẻ em bị bạo lực, bạo hành, bị xâm hại tình dục, bị đuối nước đang có những diễn biến phức tạp, mỗi năm vẫn có hàng trăm em bị đuối nước và là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục… Tình trạng trẻ em bị xâm hại, đe dọa trên môi trường mạng có những diễn biến phức tạp. Hiện nay trẻ em được tiếp cận với mạng internet ngày càng gia tăng, đây là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển trong thời đại công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay, nhưng việc giáo dục kiến thức, kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng vẫn là vấn đề rất cần được các gia đình – nhà trường – xã hội quan tâm. Hiện nay có một thực tế là các gia đình sẵn sàng mua cho con các thiết bị công nghệ thông minh như điện thoại, máy tính bảng…, nhưng chưa dạy cách khai thác, sử dụng thiết bị đó thế nào cho hiệu quả. Những con số trên đây chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế được nếu mỗi gia đình, trường học, cộng đồng đều có những việc làm cụ thể, thiết thực như: mỗi gia đình luôn nhắc nhở con không được tự tiện đi tắm sông, ao, hồ nếu không có sự hướng dẫn, quản lý, giám sát của người lớn. Các địa điểm có nguy cơ cao trong việc gây thương tích cho trẻ em như: tại nơi thi công các công trình xây dựng phải có biển báo, các nắp cống, hố ga, ao sâu… đều phải có các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em; các khu chung cư khi xây dựng phải có lan can, hàng rào kiên cố để trẻ em không bị ngã. Các em phải được giáo dục kỹ năng phòng chống bạo hành, bạo lực, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục nơi công cộng, hay ngay trong gia đình, người thân… đó là trách nhiệm của các gia đình, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội. Thực tế đã chứng minh là những trẻ em được tham gia học bơi thì bị ngã xuống ao hồ hoặc khi đi bơi trong các bể bơi các em có kỹ năng thoát khỏi đuối nước; các em được học kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục thì khi các em tiếp xúc với người lạ các em sẽ có hành động phản ứng “ quyết liệt” như chú, ông không được làm như vậy hoặc kêu gọi người lớn giúp đỡ, ngăn chặn hành vi nguy hiểm có thể xẩy ra hoặc bỏ chạy, điện thoại cho công an… để bảo đảm an toàn về thân thể. Khi vụ việc xẩy ra thì mạnh dạn tố cáo kẻ đã xâm hại mình với gia đình, chính quyền để đưa kẻ gây hại bị xử lý theo pháp luật. Để bảo vệ trẻ em có hiệu quả đã được Luật định cụ thể từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp cùng với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình cá nhân để bảo vệ trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại. Trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên của các gia đình – nhà trường – xã hội trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất quyết định việc bảo vệ trẻ em và việc này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các bậc làm cha, mẹ cần dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ với con nhiều hơn, khi trẻ có những biểu hiện “không bình thường” như khi đi học về không nói chuyện với người thân trong gia đình, ăn uống không như thường lệ… cần phải liên hệ với cô giáo hoặc bạn bè của con để tìm hiểu nguyên nhân đó từ đâu? và nghe trẻ giải thích để từ đó tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất. Hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh hay dọa trẻ như: nếu con không nói hay không nghe lời, bố, mẹ sẽ tống con ra khỏi nhà hay như khi con không thành công trong học tập thì mắng, nhiếc học kém thế thì nghỉ học đi cho đỡ tốn cơm, tốn tiền… Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thì cách giáo dục kiểu “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” sẽ không còn đúng với xã hội ngày càng văn minh.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà và các đại biểu trao quà và học bổng cho trẻ em tại Lễ phát động Tháng Hành động Vì trẻ em
Chúng ta cần nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng, bằng tình yêu thương với trẻ. Đừng coi trẻ em chỉ là những đối tượng chỉ biết vâng lời, làm theo người lớn. Bảo vệ trẻ em không phải là sự áp đặt ý chí, mong muốn của người lớn với trẻ em mà phải tạo cơ hội để trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Khi trẻ có học lực chưa giỏi thì cha mẹ phải xem cách mình dạy con đã đúng chưa? Con đã chăm học chưa?… và cần tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp của trẻ. Vì trẻ em chính là chủ thể chính trong quá trình lập thân, lập nghiệp trong tương lai. Gia đình – Nhà trường – Xã hội chỉ tạo ra cơ hội và môi trường để mỗi cá nhân tự lực vươn lên bằng chính sức khỏe và kiến thức để mỗi cá nhân hòa nhập vào đời sống xã hội, vươn lên tự khẳng định vị thế của mình trong gia đình, xã hội. Các bậc cha mẹ không nên so sánh con mình với con người khác vì mỗi cá nhân sẽ có những tố chất khác nhau, điều kiện sức khỏe, khả năng nhận thức cũng khác nhau, vì mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Một mùa thi tốt ở mỗi bậc học mới lại đến với trẻ em, các bậc cha mẹ hãy quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ, tạo không khí vui vẻ trong quá trình học tập, thi cử để các em có được kết quả cao nhất trong kỳ thi. Thực tế có nhiều học sinh có học lực khá, giỏi cũng có thể đạt thành tích không cao như kỳ vọng của gia đình thì các bậc cha mẹ cũng bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân đó là do đâu? Tuyệt nhiên không nên quy chụp đó là lỗi của con, lắng nghe, chia sẻ với con để có cách giải quyết phù hợp. Tại các diễn đàn nghe trẻ em nói cho thấy, trẻ em luôn cần sự chia sẻ, lắng nghe bằng trái tim và lòng nhân hậu của người lớn, hôm nay có thể con chưa thành công, nhưng cuộc sống có rất nhiều, rất nhiều lối đi để lập thân, lập nghiệp, để khẳng định mình trong xã hội.
Trong cuộc sống mọi người đều mong được bình an, tuy nhiên cuộc sống không phải như vậy mà việc may, rủi luôn đồng hành với cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình. Chỉ một sơ xuất nhỏ, cũng có thể gây ra hậu quả lớn, ví dụ khi trẻ đi chơi một mình trên đường phố cũng có thể bị tai nạn giao thông, đi xe vượt đèn đỏ, đi chơi trên công viên, vườn hoa, đi bơi, tắm hồ, ao, đi biển… đều có thể gặp tai nạn nếu không tự giác chấp hành các quy định, trẻ tự ý tham gia các hoạt động dã ngoại khi không có sự hướng dẫn của người lớn, người có chuyên môn. Việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trách nhiệm chính là của mỗi gia đình, và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng ngày, để chất lượng sống của trẻ em ngày càng tốt đẹp hơn./.
                                                Nguyễn Ngọc Minh
                  Phó Viện trưởng Viện An sinh xã hội và phát triển cộng đồng