Thời sự
Bạo lực gia đình cần phải xóa bỏ
11:12 AM 23/10/2018
(LĐXH)- Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam khi mà ở đâu đó vẫn còn những người phụ nữ phải sống trong thấp thỏm lo âu ngay dưới mái nhà của mình. Ðây được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Năm nay đã ngoài 50 tuổi, bà Tô Thị Phó người dân tộc Nùng tại xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) không thể nhớ hết được số lần bị chồng chửi bới, đánh đập vô cớ mỗi khi uống rượu say về. Mỗi lần như vậy bà Phó chỉ biết im lặng và nuốt nước mắt vào trong. “Nhiều quá đi! Mỗi lần như vậy, tôi đau lắm nhưng im lặng không nói được câu nào, càng nói thì càng bị đánh… Tôi buồn lắm, con cháu giờ cũng lớn rồi cứ như thế này mãi à, chán lắm rồi” - bà Phó chia sẻ.
Cấp ủy, chính quyền xã Bắc Xa (huyện Đình Lập) chỉ đạo các ban, đoàn thể
thường xuyên giúp đỡ bà con dân tộc để lồng ghép tuyên truyền bình đẳng giới
Còn với chị Hoàng Thi Sạch, sống tại bản Tắp Tính, một trong những thôn giáp biên, xa xôi nhất của xã Bắc Xa, những lần bị chồng đánh đập để lấy tiền đi đánh bạc, chị chỉ biết tìm đến sự trợ giúp của lực lượng Bộ đội Biên phòng nơi đây. Thế nhưng sau đó, đâu lại hoàn đấy.
Theo Thượng tá Lê Thế Hải, Chính ủy Đồn Biên phòng Bắc Xa, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), cho biết: Qua nắm bắt của Đồn biên phòng Bắc Xa thì tình trạng bạo lực gia đình tại đây không có gì phức tạp. Còn với các cấp chính quyền, việc can thiệp chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền. Cấp ủy chính quyền xã cũng chỉ đạo các đoàn thể trong đó có chị em phụ nữ, phối hợp với các lực lượng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến để hạn chế mức thấp nhất tình trạng này.
Rõ ràng, sự can thiệp của cộng đồng, chính quyền và những lực lượng chức năng trong việc ngăn cản bạo lực gia đình còn rất khiêm tốn, chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, khiến cho nhiều phụ nữ dân tộc phải cam chịu sống trong “địa ngục” nhiều năm. Mặc dù Luật Bình đẳng giới và Phòng chống Bạo lực gia đình đã có hiệu lực thi hành từ cách đây 10 năm. Tuy nhiên, trong đó còn có một số điều luật chưa thực sự khả thi và việc phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong triển khai trên thực tế còn khá mờ nhạt và hiệu quả thấp.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trao đổi: Một bộ phận không nhỏ trong xã hôi đã không coi trọng xây dựng gia đình hạnh phúc, nhất là vấn đề bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Chúng tôi và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang tích cực phối hợp để mang lại những kết quả tích cực hơn, để xây dựng gia đình hạnh phúc trong đó tiêu chí không có bạo lực gia đình là tiêu chí quan trọng hơn cả…
Một trường hợp bị bạo lực gia đình tại huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn)
Là một tổ chức đại diện cho tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là nâng cao hệ thống địa chỉ tin cậy để lên tiếng ngăn chặn bạo lực từ địa bàn. Thế nhưng, mô hình này chưa thực sự phát huy được hết hiệu quả. “Thực hiện Luật Phòng chống Bạo lực gia đình, nhiều địa phương đã xây dựng mô hình tin cậy tại cộng đồng nhưng còn thiếu kinh phí để làm công tác liên ngành. Một phần nữa là các vụ bạo lực xảy ra, cấp ủy, chính quyền vào cuộc chưa triệt để. Và vấn đề này gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng hạnh phúc của mỗi gia đình Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì chính mỗi phụ nữ phải tự trang bị kiến thức về quyền lợi chính đáng của mình, để lên tiếng mạnh mẽ mỗi khi xảy ra bạo lực trong gia đình. Có như vậy, nạn bạo lực gia đình mới có thể dần loại bỏ, đảm bảo hạnh phúc gia đình và đạt được bình đẳng giới thực chất.

                                                                                  Thúy Hiền (TTXVN)