Lao động
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Bảo đảm quyền lợi người lao động
03:46 PM 18/10/2016
(LĐXH) - Từ ngày 1/7/2016, chủ sử dụng lao động bắt buộc phải đóng bảo hiểm TNLĐ và BNN cho người lao động nhằm bảo đảm hơn đời sống của những lao động rủi ro bị TNLĐ và BNN.
Đây là nội dung của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) bắt buộc. Nghị định nêu rõ, từ ngày 1/7/2016, người sử dụng lao động (NSDLĐ) hàng tháng đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động (NLĐ) là cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) theo quy định của pháp luật về CBCCVC; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Công an nhân dân; Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn và HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, không bao gồm NLĐ là người giúp việc gia đình (áp dụng từ ngày 1/1/2018); Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã (HTX) có hưởng tiền lương. Đối với NLĐ là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, Công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, mức đóng quy định là 1% trên mức lương cơ sở. Trường hợp NSDLĐ là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán được thực hiện hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, Chính phủ quyết định mức đóng thấp hơn mức đóng quy định nêu trên.
(Ảnh minh họa)
Quyền lợi người lao động được bảo đảm
Luật ATVSLĐ quy định rõ, người lao động được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện theo quy định và mất ít nhất 5% khả năng lao động do bị tai nạn lúc đang làm việc thì được hưởng trợ cấp TNLĐ. Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Cụ thể, người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng trợ cấp tương đương 5 tháng lương tối thiểu chung. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% khả năng lao động thì được hưởng thêm 0,5% tháng lương tối thiểu chung. Với những trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Cụ thể, suy giảm 30% khả năng lao động được hưởng 30% mức lương tối thiểu chung. Sau đó, cứ mỗi 1% khả năng lao động bị suy giảm thì được hưởng thêm 2% mức lương tối thiểu chung. Cả 2 diện này ngoài khoản trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Nếu tham gia đóng từ 1 năm trở xuống, mức hưởng được tính bằng 50%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 30% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Nếu người lao động đang làm việc bị chết do TNLĐ, BNN thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung. Ngoài ra, người lao động bị TNLĐ mà không phải do lỗi của người đó; bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì người sử dụng lao động phải bồi thường theo quy định.
Đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, khi bị TNLĐ, BNN sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng hoặc một lần được tính trên cơ sở tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhưng không quá mức tối đa theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, người lao động khi bị TNLĐ và BNN sẽ được hỗ trợ khám bệnh nhằm phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp, kể cả khi đã nghỉ hưu. Vì vậy, trong khoảng thời gian kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc, người bị bệnh nghề nghiệp sẽ vẫn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định mới.
Ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng BHLĐ (Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN) cho biết, trước đây, khi TNLĐ xảy ra, người sử dụng LĐ phải có trách nhiệm tổ chức sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ và phải chịu chi phí này. Sau đó, khi có giám định tỷ lệ mất sức khỏe, NLĐ sẽ được hưởng chế độ BHXH chi trả. Theo ông Khánh, với quy định mới trên, các chế độ đối với người bị TNLĐ vẫn được đảm bảo như cũ, nhưng quy định này sẽ giúp triển khai việc phòng ngừa TNLĐ; huấn luyện, đào tạo lại cho NLĐ sau khi bị tai nạn được tốt hơn để họ trở lại làm việc nếu như NLĐ có nhu cầu. Do vậy, có thể nói, không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động mà người sử dụng lao động cũng có lợi nhiều hơn, trong khi chi phí đóng cho các khoản này không tăng lên. Một số DN nói quy định này làm tăng chi phí, nhưng thật ra không phải, bởi mức đóng tối đa chỉ bằng 1% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của NLĐ (một số doanh nghiệp có nguy cơ TNLĐ thấp thì mức đóng sẽ thấp hơn). Hơn nữa, các DN còn được hưởng các chính sách hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ; huấn luyện, đào tạo lại cho NLĐ sau khi bị tai nạn…
Theo ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục ATLĐ, thực hiện bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Luật Bảo hiểm xã hội và Luật ATVSLĐ là một tiến bộ đáng kể trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt, phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ 2015 đã mở rộng đối tượng hưởng chế độ TNLĐ, BNN phù hợp với đối tượng đóng bảo hiểm xã hội cho cả đối tượng người lao động làm việc theo mùa vụ, người lao động dưới 15 tuổi, kể cả lao động đã nghỉ hưu… Đây là một ưu điểm vượt trội của các chế độ, chính sách của Nhà nước.
Để đảm bảo chủ sử dụng lao động chấp hành nghiêm việc đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, Luật ATVSLĐ cũng quy định rõ các hình thức xử lý đối với đơn vị vi phạm, cụ thể: Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm TNLĐ, BNN quy định tại Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội; Người nào vi phạm pháp luật về ATVSLĐ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Chính phủ cũng quy định chi tiết về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ quy định trong Luật này./.
Cảnh Minh