Xã hội
Bảo đảm Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội – để không ai bị bỏ lại phía sau
12:29 PM 25/01/2020
Năm 2020, năm cuối triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng và mừng Xuân Canh Tý 2020, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội đã dành cho phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội cuộc trao đổi về các hoạt động bảo đảm Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội – để không ai bị bỏ lại phía sau.
PV: Xin đồng chí khái quát tình hình đời sống các đối tượng bảo trợ xã hội và công tác trợ giúp xã hội?
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, trong đó có hơn 25% dân cư cần sự trợ giúp xã hội. Bao gồm: hơn 11,4 triệu người cao tuổi, 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; có khoảng 5% hộ nghèo, 3% hộ cận nghèo, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm; 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện; khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác của Bộ Lao động – TBXH thăm hỏi và hỗ trợ người dân vùng lũ bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa)

Trợ giúp xã hội đột xuất và ứng phó với những vấn đề bất thường là những chính sách bắt buộc phải có đối với bất kỳ quốc gia nào, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội. Đối tượng của chính sách trợ giúp xã hội đột xuất chủ yếu là các đối tượng gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác. Những khó khăn của họ là khó khăn mang tính tạm thời, ngắn hạn và thông thường là trợ giúp một lần. Mục đích của chính sách này là giúp đối tượng bị rủi ro vượt qua khó khăn tạm thời để sớm ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
P.V: Xin đồng chí cho biết về các hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, Cục Bảo trợ Xã hội đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Lao động – TBXH ban hành Công văn số 5092/LĐTBXH-BTXH ngày 27/11/2019 chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2020. Đồng thời, vận động tổ chức, cá nhân chăm lo tết cho người nghèo, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói, trường hợp ngân sách địa phương không đáp ứng đủ thì UBND tỉnh, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gạo từ nguồn ngân sách Trung ương.

Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi thăm hỏi và tặng quà đối tượng bảo trợ xã hội tại xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

Theo đó, các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Uớc tính kinh phí trợ giúp Tết của 63 tỉnh, thành, khoảng gần 1.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách cấp tỉnh 731 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 29 tỷ đồng và nguồn vận động, xã hội hóa 182 tỷ đồng. Mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh phổ biến là 300.000đ - 500.000đồng/đối tượng. Một số tỉnh có điều kiện ngân sách như thành phố Hồ Chí Minh có mức hỗ trợ 1.150.000đồng/đối tượng; Bình Dương mức 700.000 đồng/đối tượng; Bà Rịa - Vũng Tàu 1.100.000đồng/đối tượng. Một số tỉnh không trích được ngân sách nhà nước cấp tỉnh nhưng đã huy động được nguồn ngoài ngân sách nhà nước khá lớn để hỗ trợ đối tượng trong dịp Tết như: Thanh Hóa, Quảng Trị…
PV: Việc tổ chức hỗ trợ gạo cho các đối tượng khó khăn, thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai thực hiện như thế nào?
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động - TBXH, tính đến ngày 21/01/2020 đã có 10 tỉnh gặp khó khăn về nguồn lực (gồm: Nghệ An, Cao Bằng, Gia Lai, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Quảng Bình, Bình Định, Hà Giang, Bình Phước, Lạng Sơn) đề nghị Trung ương hỗ trợ 7.659,995 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và giáp hạt đầu năm 2020. Cụ thể: hỗ trợ cứu đói Tết cho 430.688 nhân khẩu với 6.460,320 tấn gạo; hỗ trợ cứu đói giáp hạt 53.614 nhân khẩu với 1.199,675 tấn gạo.
Tính đến ngày 21/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 Quyết định hỗ trợ cho 09 tỉnh đề nghị cứu đói dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và 01 tỉnh đề nghị gạo cứu đói giáp hạt đầu năm 2020 tổng số 7.264,53 tấn gạo cứu đói cho 146.552 hộ, 484.302 nhân khẩu trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và giáp hạt đầu năm 2020.
Nhìn chung, việc tổ chức hỗ trợ gạo cho các đối tượng khó khăn, thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai thực hiện kịp thời, được dư luận xã hội đánh giá cao. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, các chủ trương, chính sách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH thường xuyên quan tâm, đồng bộ, khẩn trương, kịp thời, đạt hiệu quả cao; các địa phương đã thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn; trợ giúp kịp thời các hộ gia đình thiếu đói dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, chịu hậu quả thiên tai.
P.V: Để bảo đảm ai cũng có Tết, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, Bộ Lao động – TBXH đã có chỉ đạo gì?
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay trước dịp Tết Nguyên đán, Cục Bảo trợ Xã hội đã chủ động tham mưu trình lãnh đạo Bộ Lao động – TBXH ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác trợ giúp xã hội năm 2019, đặc biệt là công tác hỗ trợ gạo cứu đói, công tác chăm lo đời sống cho người có công, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội; chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi trao đổi với lãnh đạo Bộ Lao động và An sinh xã hội Cuba về công tác trợ giúp xã hội

Hai là, rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và giáp hạt đầu năm 2020; chủ động huy động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các hộ thiếu đói. Trường hợp nguồn lực địa phương không đáp ứng đủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi lên Bộ Lao động - TBXH, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ gạo trước ngày 17/01/2020. Văn bản đề nghị hỗ trợ gạo nêu rõ các thông tin về số hộ, số khẩu cần hỗ trợ, thời gian hỗ trợ (01 tháng đối với hỗ trợ cứu đói Tết và tối đa 03 tháng đối với hỗ trợ cứu đói giáp hạt).
Ba là, vận động các tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách địa phương chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm ai cũng có Tết, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm.
Bốn là, thực hiện kịp thời việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Xin chân trọng cảm ơn và chúc đồng chí năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý!

Chí Tâm (thực hiện)