Xã hội
Báo chí truyền thông góp phần nâng cao nhận thức về công tác xã hội trong bối cảnh già hóa dân số
12:13 PM 17/01/2019
(LĐXH) – Trong 2 ngày 16 - 17/1/2019 tại tỉnh Hải Dương, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức hội thảo Công tác xã hội thích ứng với bối cảnh già hóa dân số dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà.
Cùng tham dự, có TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; đại diện lãnh đạo Cục Bảo trợ Xã hội; Đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hôi tỉnh Hải Dương; đại diện các trung tâm CTXH một số tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức trong nước và của Liên Hợp Quốc; lãnh đạo và hơn 100 phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, ngành và địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình của cả nước đã tăng từ 68,6 tuổi ( năm 1999) lên tới 73,2 tuổi (năm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi ( năm 2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050. Tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi (chiếm  khoảng 11,95%  dân số). Trong số đó, có khoảng  gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội nghị
Theo dự báo, Việt Nam sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số (tức là chuyển từ giai đoạn “đang già”sang “già”) – một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới, thậm chí  đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo hạ tầng và an sinh xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng, trong khi nhiều người còn đang sống ở mức nghèo, cận nghèo, hầu hết người cao tuổi có sức khoẻ kém, ngày càng sống thu mình, cô đơn do các hỗ trợ truyền thống từ đại gia đình bị thu hẹp vì số con giảm; tăng lên số người ở độ tuổi lao động đi làm ăn xa.
Chính vì vậy, trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT, CTXH được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, đóng vai trò “cầu nối” chủ chốt, là phương tiện hiệu quả trong thực thi các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
 Tuy nhiên, hoạt động CTXH đối với người cao tuổi hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Phần lớn các chính sách đối với người cao tuổi hiện mới chỉ chú trọng tính trợ cấp, cứu trợ, còn các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho NCT còn mang tính phong trào. Hơn nữa, ngành CTXH với các loại hình dịch vụ chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn thiếu và yếu. Các yếu tố, điều kiện cho sự phát triển ngành CTXH chuyên nghiệp còn thiếu như khung pháp lý, các phương pháp khoa học, đội ngũ CTXH nòng cốt, nguồn nhân lực cho mạng lưới CTXH, các chương trình nghiên cứu, tính ưu việt của nghề, hệ thống dịch vụ thiết yếu và cơ sở thực tập, hành nghề còn vẫn còn nhiều thách thức...   Nhận thức và thái độ của các cá nhân, gia đình và cộng đồng về CTXH đối với người cao tuổi còn nhiều hạn chế; đa số vẫn còn coi CTXH là sự trợ giúp, cách nhìn nhận vấn đề liên quan đến CTXH của cá nhân, cộng đồng với người cao tuổi vẫn còn mang tính chất từ thiện, phong trào. 
Toàn cảnh hội nghị
Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống chính sách trợ cấp xã hội và hoàn thiện các chương trình cung ứng dịch vụ CTXH trong chăm sóc NCT là rất cần thiết nhằm đảm bảo an sinh và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi, trong đó việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CTXH đối với người cao tuổi để ứng phó với quá trình già hóa dân số là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam trình bày tham luận
Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam (UNFPA): Đến năm 2035, người cao tuổi già (75+) sẽ tăng gấp đôi, đạt khoảng 5 triệu người. Trong đó, tỷ lệ nữ trong dân số cao tuổi, và trong nhóm người cao tuổi già ở Việt Nam sẽ cao nhất trong các nước ASEAN. Điều này đặt ra yêu cầu phụ nữ cao tuổi cần được quan tâm đặc biệt bởi họ sẽ dễ bị tổn thương hơn; họ phải đối mặt với phân biệt giới tính nhiều hơn; Phụ thuộc nhiều hơn về mặt tài chính; Có trình độ học vấn và văn hóa thấp hơn; Có tỷ lệ bệnh tật và khuyết tật cao hơn…
TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh nhấn mạnh, thách thức của việc gìa hóa dân số tại Việt Nam là do hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT. Số NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp XH thấp cả về độ bao phủ (50%) và mức hưởng. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng NCT bị phân biệt đối xử, hạn chế trong tiếp cận thông tin, dịch vụ tài chính, cơ hội tập huấn, đào tạo nghề, việc làm. Phần lớn NCT vẫn đang làm việc, nhưng chủ yếu là công việc không được trả công;
Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT. 65% NCT tự đánh giá tình trạng sức khỏe của mình yếu và rất yếu (VNAS 2011); Tuổi thọ trung bình cao (73,4) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là 66; NCT mắc đa bệnh, phần lớn là bệnh không lây nhiễm tăng nguồn lực chăm sóc sức khỏe do chi phí chăm sóc sức khỏe cao… Chính vì vậy, cần có các giải pháp và chính sách phù hợp và kịp thời để đảm bảo sự bền vững về tài chính và kinh tế vĩ mô. Cơ sở hạ tầng và môi trường sống cũng cần được thay đổi, đảm bảo cho NCT được cung cấp một môi trường thuận lợi và tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn.
Tại Hội nghị, ông Trần Cảnh Tùng, Phó trưởng phòng CTXH, Cục BTXH cũng đã trình bày về Hành lang pháp lý của nghề CTXH ở Việt Nam và kinh nghiệm của quốc tế trong quy định của luật pháp về CTXH. Đây là nội dung quan trọng để phát triển nghề CTXH nói chung và CTXH đối với NCT nói riêng ở Việt Nam. Theo đó, Luật khung CTXH các nước đều có chung quy định như: CTXH là gì? Yêu cầu về trình độ đào tạo; Điều chỉnh hệ thống giáo dục và đào tạo về CTXH; Cơ chế để công nhận nhân viên CTXH; Bảo vệ lợi ích và uy tín nghề nghiệp; Thúc đẩy sự công nhận nghề CTXH trong xã hội…
Tại nhiều quốc gia, Luật Khung tạo ra cơ chế pháp lý hành nghề cho nhân viên CTXH với 2 dạng cơ chế: cấp đăng ký hoạt động và cấp giấy phép thực hành. Các quốc gia có Luật về Nghề CTXH như Canada; Japan; Singapore; New Zealand; Nam Phi; Hàn Quốc; Philippines; Anh; Mỹ… Ở một số quốc gia, có sự kết hợp cả hai cơ chế trên (ví dụ, ở Philippines, cán bộ xã hội vừa phải đăng ký vừa phải có giấy phép hoạt động).
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ – TBXH tỉnh Hải Dương
Trình bày việc thực hiện CTXH về NCT ở tỉnh Hải Dương, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh cho biết, Hải Dương được đánh giá là tỉnh đứng thứ hai trên toàn quốc về già hóa dân số. Đến tháng 12/2018, toàn tỉnh Hải Dương có 257.094 người cao tuổi (NCT), chiếm tỷ lệ 14.3% dân số. Trong đó, có 71.284 NCT đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 29.496 NCT hưởng trợ cấp người có công; 44.545 NCT hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (trong đó có 2.354 NCT cô đơn không nơi nương tựa thuộc diện hộ nghèo, 42.188 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, 10.783 NCT khuyết tật nặng, đặc biệt nặng); 108 NCT khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh.
Trên thực tế, NCT ở Hải Dương đã được ưu tiên khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, được tư vấn và chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; được lập sổ theo dõi, khám chữa bệnh, các chương trình mắt sáng cho NCT được Ban đại diện Hội NCT và ngành Y tế triển khai có hiệu quả; NCT được ưu tiên khi tham gia giao thông công cộng, được miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham quan các khu di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao. Để phát huy công tác chăm sóc NCT , ông Bùi Thanh Tùng cũng đã đề xuất cân cung cấp các dịch vụ bảo vệ, bảo vệ khẩn cấp đối với NCT; Cần có các trung tâm cung cấp các dịch vụ đối với NCT, như trung tâm tư vấn tâm lý, trung tâm nuôi dưỡng, dưỡng lão dành riêng cho NCT; Cung cấp các dịch vụ về bảo vệ chăm sóc sức khỏe NCT, dịch vụ pháp lý bảo vệ quyền NCT; Cung cấp các dịch vụ việc làm phù hợp với đặc điểm, sức khỏe NCT. Có như vậy vừa đáp ứng nhu cầu NCT và kích thích nền kinh tế góp phần vào tình hình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong thực hiện nghề CTXH đối với NCT cũng được các đại biểu nêu ra dưới nhiều góc độ. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Hiệp hội đào tạo nghề CTXH Việt Nam đã phân tích rõ vai trò của nhân viên CTXH là giúp cho NCT phát huy được tiềm năng; điều phối và kết nối dịch vụ; cung cấp các kiến thức cần thiết; biện hộ, giám sát, đánh giá, chuẩn đoán những vấn đề của NCT trong cuộc sống hành ngày… Tuy nhiên, thực trạng hệ thống chăm sóc xã hội đối với NCT hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Hiện có khoảng 418 cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên cả nước; trong đó, có 195 cơ sở công lập, 223 cơ sở ngoài công lập. Có 34 trung tâm Điều dưỡng người có công, 120 cơ sở cai nghiện và hàng trăm cơ sở dịch vụ việc làm…
Theo bà Hương, trong thời gian tới, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, các tổ chức chính trị tại cộng đồng để đẩy mạnh tuyên truyền nghề CTXH đối với NCT. Cải tiến phương thức quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT. Trong đó, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi; Phát triển nguồn nhân lực; Thí điểm các mô hình toàn diện. Tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT bằng việc đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên toàn quốc; Phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chăm sóc xã hội và CTXH với NCT.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo
Nhấn mạnh về vai trò của báo chí truyền thông đối với việc cung cấp thông tin về lĩnh vực CTXH đối với NCT, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Người Làm báo cho rằng, báo chí có vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của toàn xã hội, sự lan tỏa của báo chí sẽ đi vào từng đối tượng trong xã hội, từng bước đóng góp thành công vào công tác dân số kế hoạch hóa gia đình... Vì vậy, để công tác truyền thông về vấn đề già hóa dân số đạt hiệu quả và thúc đẩy ngành CTXH phát triển, báo chí cần truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; tuyên truyền sâu rộng việc nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở để người cao tuổi khám bệnh; chú trọng công tác truyền thông trong chữa các bệnh không lây nhiễm và các bệnh thông thường khác; xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo điều dưỡng lão khoa phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng địa phương; đảm bảo ASXH cho người lao động, nhất là BHXH tự nguyện.
Đặc biệt, cần điều chỉnh, đổi mới phương thức và quy trình xuất bản hướng đến vấn đề già hóa dân số. Một mặt chú trọng tìm hiểu độc giả, đề ra chiến lược truyền thông bài bản, mặt khác cần cải tiến các dạng thức truyền thông như chuyển tải thông tin nhanh, khách quan, tương tác nhiều chiều và đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về hoạt động truyền thông vấn đề già hóa dân số và phát triển nghề CTXH cho các nhà báo, phóng viên được phân công theo dõi mảng này. Một số báo chuyên ngành, cần xây dựng  chuyên trang, chuyên mục riêng  bàn sâu về lĩnh vực này, trong đó, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền làm rõ những vấn đề đang đặt ra của vấn đề già hóa dân số, từng bước đưa ra những  nguyên tắc của công tác xã hội, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực công tác xã hội và góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực công tác xã hội.
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác truyền thông nghề CTXH đối với NCT, T.S Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho rằng, đến nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã tuyên truyền về nghề CTXH một cách thường xuyên, liên tục;  nhiều báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình đã thành lập chuyên mục riêng về CTXH, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về CTXH.
Trong thời gian tới, cần phối hợp liên kết truyền thông về CTXH với thông tin, truyền thông về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, văn hóa... Bởi, sự tác động của truyền thông về lĩnh vực CTXH không diễn ra đơn lẻ, mà thông qua sự phối hợp hoặc kết nối thông tin, truyền thông về các lĩnh vực khác để có các sản phẩm truyền thông đa dạng, hiệu quả, tăng cường tác động cùng chiều đến sự phát triển lĩnh vực CTXH từ nhiều phương diện khác nhau. Về phía các cơ quan báo chí cần gia tăng hàm lượng thông tin khoa học về CTXH trong sản phẩm của mình, từ các phân tích, dữ liệu, hệ thống tư liệu của kết quả điều tra cũng như từ các trung tâm nghiên cứu, khảo sát, đào tạo về lĩnh vực này; tăng cường vai trò thông tin dự báo, nhất là từ những nghiên cứu các vấn đề thực tiễn. Tập trung xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin, báo, đài để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về nghề CTXH trong bối cảnh thích ứng với già hóa dân số. Chú trọng khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác. 
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao giải Nhất và Nhì cho các phóng viên đạt giải cuộc thi viết về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý CTXH
Tổng Biên Tập Tạp chí Người làm báo Nguyễn Thành Lợi trao giải cho các phóng viên đạt giải Ba

TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội và Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trao giải cho các phóng viên đạt giải Khuyến khích

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cùng T.S Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp Chí Lao động và Xã hội; bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục BTXH đã trao giải thưởng cho các phóng viên, nhà báo đoạt giải cao trong cuộc thi tác phẩm báo chí viết về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CTXH năm 2018 do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp vớiCục Bảo trợ xã hội tổ chức.
Trước đó, ngày 16/1/2019, Ban Tổ chức Hội thảo đã tổ chức cho các phóng viên đi tìm hiểu thực tế để viết bài và thăm, tặng quà cho người cao tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương.

Nhóm PV