Xã hội
Báo chí bám sát thực tế đời sống để truyền thông chính sách BHXH, BHYT
12:10 PM 08/12/2017
(LĐXH) - Ngày 8/12, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đối với các cơ quan báo chí".
Dự và chủ trì hội thảo có PGS, TS. Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH; ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tham dự hội thảo còn có TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; lãnh đạo Vụ bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động – TBXH); TS. Dương Văn Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm Xã hội; bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở Lao động – TBXH; ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông và lãnh đạo một số Ban thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; lãnh đạo các Sở, ngành và Bảo hiểm Xã hội các tỉnh miền Đông Nam Bộ cùng các phóng viên, biên tập viên của gần 40 cơ quan thông tấn báo chí đại diện khu vực miền Nam.
Quang cảnh hội thảo 
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Quân, cho biết: Trong những năm qua, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT rất được quan tâm và không ngừng được tăng cường nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam với hầu hết các loại hình báo chí, từ báo in, phát thanh – truyền hình đến báo điện tử Trung ương và địa phương. Nhờ đó, thông tin các vấn đề về BHXH, BHYT đã được truyền tải tới cộng đồng nhiều hơn về số lượng và thiết thực hơn về chất lượng, báo chí đã bám sát thực tế đời sống để truyền thông về công tác này.
Bàn Chủ tọa hội thảo
Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã bám sát thực tế đời sống để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, trọng tâm là Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các kết quả thực hiện chính sách. Đồng thời, cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện chính sách. Việc đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền đã tạo điều kiện và giúp các ngành, các địa phương, chủ sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta. Kết quả công tác tuyên truyền cũng đã góp phần rất lớn làm thay đổi và nâng cao nhận thức về quyền, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể các cấp và mọi người dân trong việc thực thi, chấp hành các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT.
Thứ trưởng Lê Quân phát biểu khai mạc và đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT
Thứ trưởng Lê Quân cho rằng: Để thực hiện tốt mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân”, bên cạnh nỗ lực của ngành Lao động - TBXH, ngành BHXH và các Bộ, ngành liên quan, rất cần sự vào cuộc, chung tay hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí trong tuyên truyền về lĩnh vực này nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của người sử dụng lao động, người lao động và toàn dân về BHXH, BHYT. Qua công tác truyền thông đã tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền và đưa các chính sách vào cuộc sống.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Thứ trưởng Lê Quân tin tưởng rằng, các anh chị em phóng viên theo dõi ngành bằng nhiều kinh nghiệm của mình sẽ cùng gắn bó chia sẻ và đồng hành trong việc tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả các chính sách về BHXH, BHYT để xây dựng hệ thống an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan báo chí của ngành mà trọng tâm là trong năm 2018 phải có kế hoạch truyền thông cụ thể và chiến lược dài hơi để gửi đến thông điệp tới đông đảo người dân và cộng đồng xã hội, từ người lao động đến các tổ chức chính trị xã hội về lĩnh vực này; phân vai rõ ràng của cơ quan quản lý Nhà nước, vai trò của cơ quan báo chí trong ngành để có sự hợp tác nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu chào mừng hội thảo
Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu, cho rằng: Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó có vai trò của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia và thực hiện chính sách. Những năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn coi trọng và phát triển BHXH và tuyên truyền chính sách, pháp luật đến với mọi người dân, người lao động. Hiện nay, kết nợ BHXH, BHYT, BHTN là thời sự “nóng” trên cả nước cũng như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Do đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp, nhất là chủ sử dụng lao động, người lao động và toàn dân về Luật BHXH đối với các cơ quan báo chí là hết sức quan trọng. Tỉnh mong muốn sẽ là một trong những địa phương trong cả nước được tiếp cận những kinh nghiệm, giải pháp hữu ích về hoạt động truyền thông từ hội thảo "Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đối với các cơ quan báo chí".
Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước tham luận về chính sách BHXH tại hội thảo
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia uy tín đến từ các cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí tuyền thông, các nhà quản lý, hoạch định và thực thi chính sách, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH của Trung ương và địa phương đã trao đổi, đưa ra các đề xuất, kinh nghiệm truyền thông về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; đại diện người lao động và chủ lao động cũng có tham luận về việc tiếp cận các thông tin truyền thông về chính sách BHXH, BHYT tại một số địa phương miền Đông Nam Bộ.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động - TBXH) phát biểu tham luận
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã đưa ra một số đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách về BHXH tự nguyện. Để phát triển hệ thống BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng một cách bền vững thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của người lao động nói riêng và người dân nói chung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp và hấp dẫn người dân trong việc tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện đầy đủ như BHXH bắt buộc: bổ sung chế độ thai sản, tai nạn lao động (đề xuất mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ phù hợp theo Luật An toàn, vệ sinh lao động từ năm 2018), bệnh nghề nghiệp, tử tuất hằng tháng… nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách và thu hút đối tượng tham gia. Đặc biệt, cần quyết liệt hơn nữa trong việc truyền thông sâu rộng về chính sách BHXH tự nguyện, tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là phát huy vai trò của các cơ quan báo chí để người dân biết được tính ưu việt, nhân văn của chính sách này, nắm được quy trình thủ tục tham gia và hưởng chế độ.
TS. Bùi Sỹ Tuấn, Trưởng Phòng An sinh xã hội (Viện Khoa học LĐXH) kiến nghị về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH cho lao động khu vực phi chính thức
Ông Hoàng Văn Quang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng: Để phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác truyền thông và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT thì cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm về ý nghĩa và tầm quan trọng việc thực hiện chính sách này gắn với quyền và lợi ích của toàn dân nói chung trong phát triển kinh xã hội  đối  với từng địa phương, đơn vị.
Đại diện các cơ quan báo chí trao đổi và đặt câu hỏi về vấn đề nợ đọng và trốn đóng BHXH
Theo TS. Dương Văn Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Bảo hiểm Xã hội, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về BHXH, BHYT trong tình mới. Trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, internet, báo chí điện tử, mạng xã hội đã đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện, từ nhận thức, trách nhiệm, tổ chức, bộ máy, cách thức, phương pháp thực hiện. Yêu cầu đặt ra phải có lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, gắn kết chặt chẽ, liên thông giữa công tác tư tưởng, chính trị và công tác hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiệp vụ thống nhất, bài bản, chuyên nghiệp, coi trọng chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Đại diện người lao động tỉnh Đồng Nai tham luận về việc tiếp cận thông tin về chính sách BHXH
Nhà báo Đường Loan (Báo Sài gòn Giải phóng) thì cho rằng: Ngay từ khi mang bầu và sinh ra em bé, người mẹ, người cha đã được hưởng chế độ thai sản, em bé chào đời được thụ hưởng chăm sóc y tế. Lớn lên đi làm, cả lúc xuôi chèo mát mái hay lúc lỡ cơ thất nghiệp, khi gặp tai nạn rủi ro, mỗi người có tham gia BHXH đều được gắn với các chính sách, chế độ trợ cấp riêng, tương ứng với hoàn cảnh cụ thể của mình. Lúc hết tuổi lao động, đồng lương hưu là nguồn trông cậy của người già, cũng là mục tiêu quan trọng nhất của chính sách BHXH. Hiếm có lĩnh vực nào liên quan mật thiết, đồng hành với người dân từ khi họ sinh ra đến lúc bước sang thế giới khác như chính sách về BHXH. Do đó, Báo Sài gòn Giải phóng đã thực hiện công tác vừa tuyên truyền, vừa trực tiếp lắng nghe ưu tư, phối hợp tháo gỡ vướng mắc của người dân, nhất là qua mục hỏi – đáp trên Báo đã có nhiều kiến nghị của người dân được cơ quan BHXH ghi nhận, kiến nghị Trung ương có hướng giải quyết…
Tại hội thảo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của một số cơ quan báo chí đã nêu lên thực trạng trốn đóng BHXH, vỡ quỹ BHXH tại nhiều doanh nghiệp vẫn phổ biến, chính sách quản lý quỹ BHXH… cũng đã được lãnh đạo Bộ Lao động – TBXH và các cơ quan chuyên môn giải đáp và ghi nhận để tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách.
Thứ trưởng Lê Quân giải đáp câu hỏi của các phóng viên
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Quân đã cảm ơn sự phối hợp trong công tác truyền thông thời gian qua của các cơ quan báo chí và khẳng định: BHXH và BHYT là hai chính sách quan trọng đóng vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân là thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của dân tộc ta, đồng thời là yếu tố quan trọng góp phần vào việc ổn định chính trị để phát triển bền vững. Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới đòi hỏi công tác tuyên truyền cần phải được đầu tư, phải được đổi mới và cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để đưa chính sách vào cuộc sống. Việc tổ chức "Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đối với các cơ quan báo chí" thể hiện sự đồng hành của đội ngũ những người làm báo đối với hoạt động tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Chí Tâm