Văn hóa - Thể thao
Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
07:29 AM 19/11/2017
(LĐXH) Chiều 18/11 đã long trọng diễn ra Lễ kỷ niệm 106 năm Nhà hát Lớn Hà Nội. Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội cũng kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên
và Nhi đồng Quốc hội trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất
cho Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tham dự buổi lễ có ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội; ông Phạm Thanh Bình - Ủy viên Trung Ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; ông Lê Hoài Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng  Bộ Ngoại  giao; ông Lê Doãn Hợp- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Nhà hát Lớn Hà Nội mang trong mình rất nhiều giá trị lịch sử, cũng như giá trị mỹ thuật, kiến trúc, một công trình tiêu biểu của văn hóa Việt- Pháp, một không gian nghệ thuật tao nhã, trang trọng đặc trưng cho các nhà hát cổ điển châu Âu, một thánh đường chứa đầy ước mơ của giới nghệ sĩ.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà

Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc BQL Nhà hát Lớn Hà Nội

và ông Đỗ Mạnh Hà – Phó Giám đốc BQL Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 106 năm Nhà hát Lớn Hà Nội, 20 năm thành lập Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội được thành lập vào tháng 11-1997, ngay sau khi dự án trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội được hoàn thành. Với đội ngũ cán bộ, nhân viên mẫn cán, không ngừng đổi mới, sáng tạo, 20 năm qua, Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội đã tiếp tục định vị trong lòng công chúng hình ảnh Nhà hát Lớn Hà Nội - một di sản văn hóa - một “thánh đường nghệ thuật”, một điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch
cho 7 cán bộ Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dấu mốc tạo nên sự chuyển biến mới trong phương thức hoạt động và tổ chức biểu diễn của Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội là vào tháng 8-2016, thực hiện chủ trương của Bộ VH-TT&DL nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, Nhà hát lớn Hà Nội đã mở rộng cửa đưa nghệ thuật truyền thống và các chương trình chất lượng cao vào biểu diễn tại đây. Đặc biệt, sự kiện Nhà hát lớn Hà Nội mở rộng cửa với các chương trình nghệ thuật truyền thống được đánh giá là “cú huých”, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương..., đưa một ước mơ tưởng chừng không tưởng trở thành hiện thực. Cùng với đó, Ban Quản lý Nhà hát Lớn kết hợp với Viện quốc tế Pháp ngữ cho ra mắt Công trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 7-2017. Đây là một sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin và đa phương tiện cao cấp triển khai trên mạng internet. Chỉ với 15 phút tham quan ảo tại thánh đường nghệ thuật.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại buổi lễ.

Và một thành công gần đây, tháng 9-2017, Nhà hát Lớn Hà Nội đã chính thức mở cửa đón khách tham quan sau thời gian dài chuẩn bị. Những nỗ lực đó đã làm thay đổi hình ảnh của Nhà hát Lớn Hà Nội, để nơi đây phát huy giá trị, vị thế, được nhiều người biết đến và hưởng thụ.
Nhà hát lớn hôm nay đã được nâng cấp hiện đại và đẹp hơn rất nhiều nhờ sự sáng tạo của những người làm công tác bảo tồn, trùng tu, phục chế rất khoa học và đặc biệt là sự “khai thác” rất hiệu quả của Ban quản lý Nhà hát lớn. Không chỉ phục vụ biểu diễn nghệ thuật, Nhà hát lớn Hà Nội còn là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và du lịch. Nhìn vào tổng số buổi biểu diễn, phục vụ năm 2016 tại Nhà hát lớn (262) buổi cho thấy những nỗ lực của  Ban giám đốc cũng như tập thể cán bộ, công nhân viên Ban quản lý Nhà hát lớn, bởi tần suất đỏ đèn ở Nhà hát lớn càng nhiều đồng nghĩa với cường độ lao động làm thêm ngoài giờ của cán bộ, công nhân viên Nhà hát càng tăng.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ của Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội suốt 20 năm qua, tấm huân chương Lao động hạng Nhất được Nhà nước trao tặng vào dịp kỷ niệm này thực sự là niềm tự hào, niềm động viên lớn lao với tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức và người lao động của nhà hát.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhiều thế hệ, Nhà hát Lớn Hà Nội đã dần phát triển và khẳng định vị thế một thiết chế văn hóa sang trọng hàng đầu của thủ đô và đất nước. Từ khi chuyển sang cơ chế tự chủ năm 2012, BQL Nhà hát Lớn Hà Nội đã năng động, sáng tạo đưa ra quyết sách mới đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như kinh tế xã hội của thủ đô và đất nước.
Tấm Huân chương Lao động hạng Nhất được trao tặng trong dịp này không chỉ là niềm tự hào của riêng BQL Nhà hát Lớn Hà Nội, mà còn là của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Một tiết mục văn nghệ tại buổi lễ.
Thứ trưởng cũng đề nghị toàn thể viên chức và người lao động của BQL Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt cơ chế tự chủ, cùng nhau xây dựng nhà hát ngày càng vững mạnh trong tiến trình hội nhập văn hóa, kinh tế của đất nước.
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định tặng Bằng khen cho 2 cá nhân là bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc BQL Nhà hát Lớn Hà Nội và ông Đỗ Mạnh Hà – Phó Giám đốc BQL Nhà hát Lớn Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã Quyết định tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch cho 7 cán bộ BQL Nhà hát Lớn Hà Nội./.
 Thảo Lan