Thời sự
Bài 3: Kinh nghiệm quý trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
05:31 PM 31/01/2018
(LĐXH)- Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tròn nửa thế kỷ. Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử cùng những kinh nghiệm quý báu vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch tặng quà cho Mẹ VNAH nhân chuyến thăm cuối năm 2017

Đảng lãnh đạo- cội nguồn thắng lợi

Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Bằng tư duy khách quan, khoa học cùng bối cảnh và tình hình thực tiễn đẫ khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời tái hiện rõ diễn biến, những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, trình độ chỉ huy, khả năng cơ động và phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường miền Nam...để rút ra ý nghĩa và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.

Có thể khẳng định, hơn 80 năm qua, những thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều gắn liền với vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, trong hội thảo “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” nhân kỷ niệm 50 năm mới đây, Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu: Hội thảo cần tập trung phân tích làm rõ, khẳng định đường lối, chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng là cội nguồn thắng lợi, với tư tưởng chiến lược tiến công, dám đánh, dám thắng đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền ngụy Sài Gòn ngay tại sào huyệt của chúng; làm rõ sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp các lực lượng, trong đó LLVT là nòng cốt; kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và ngoại giao, tận dụng sức mạnh thời đại và sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới; rút ra bài học lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn để vận dụng, phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay...

Đối với các cựu chiến binh, những người trực tiếp tham gia Tết Mậu Thân 1968, họ đều khẳng định rõ, Đảng ta và Bác Hồ đã có tầm nhìn chiến lược, lựa chọn thời cơ để thực hiện Tổng tiến công như là một điểm nhấn đặc biệt đánh thẳng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đồng thời cũng khẳng định, cuộc kháng chiến của toàn dân tộc Việt Nam là chính nghĩa nên được bạn bè quốc tế ủng hộ nhiệt tình, góp phần làm nên thắng lợi của Xuân Mậu Thân cũng như toàn tiến trình 30 năm kháng chiến giải phóng dân tộc.

Đại tướng chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh ĐN và TX. Long Khánh

Củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”

Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 nhìn nhận: “Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, “thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc, rộng khắp và phát huy hiệu quả. Chính sự tham gia giúp đỡ hăng hái của đông đảo nhân dân đối với các lực lượng vũ trang đã phản ánh sâu sắc chính nghĩa của cuộc kháng chiến và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. “Thế trận lòng dân” không chỉ là chỗ dựa cho các đơn vị vũ trang mà còn trực tiếp gây cho địch nhiều khó khăn, làm cho chúng hoang mang, dao động. Từ bài học sâu sắc đó, Quân khu 7 luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” để củng cố tiềm lực quốc phòng ngày càng vững chắc”.

Theo CCB Vũ Minh Khởi, nhờ làm tốt việc xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân mà ta dành đỉnh cao trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cũng như các thắng lợi to lớn sau này. Ông Khởi cũng ví dụ, chỉ riêng công tác hậu cần từ dân mà ngay trong Mậu Thân 1968, ta vận chuyển nhiều máy xay xát vào vùng kháng chiến để phục vụ bộ đội mà địch không hề hay biết. 4 đơn vị hậu cần: 81, 82, 83, 84 (Bộ tư lệnh Miền) dựa vào dân, hoạt động đảm bảo phục vụ cho lực lượng vũ trang chiến đấu và chiến thắng.

Thế trận lòng dân trong Mậu Thân 1968 với CCB Lê Bá Lộc chính là điểm nhấn trọng tâm để LLVT cùng quân dân nổi dậy, làm cho địch hoang mang lo sợ. Ông Lộc kể lại, suốt cuộc hành quân từ mặt trận B3 (Gia Lai) vào thực hiện nhiệm vụ đánh Buôn Mê Thuột trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968, hành trình dài gian khổ, toàn thể cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 33 đều nhận được sự chở che, đùm bọc của nhân dân, của “thế trận lòng dân”. Tri ân sự hy sinh mất mát đó, với cương vị là Trưởng ban liên lạc CCB Trung đoàn 33, ông cùng đồng đội còn sống đã vận động xây dựng được Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 33 tại Bà Rịa Vùng Tàu, tham gia tìm kiếm và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Đắc Lắc được 78 đồng đội; Bà Rịa Vũng Tàu được 68 đồng đội; Long Khánh 38 đồng đội; vận động xây tặng 3 căn nhà đồng đội và ông vẫn tiếp tục đi tìm, hỗ trợ để nhiều thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh phía Bắc vào thăm mộ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến, nhất là trong Mậu Thân 1968.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Trung tướng Phạm Văn Dỹ cho rằng, Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay rất cần phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Có phát huy được ta mới đủ sức đề kháng, chống đỡ hay nói đúng hơn là “lo giữ nước khi nước còn chưa nguy”, muốn vậy, sức mạnh đại đoàn kết như đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân- dân, đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết lương- giáo....phải được thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh để dành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Trung tướng Dỹ khẳng định.

Còn theo Đại tướng Lê Đức Anh, chính nhờ phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân mà từ cuối năm 1967, khi chuẩn bị cho Tổng tiến công, ta đã thiết lập được 19 khu vực chính trị cơ sở cách mạng quần chúng ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch. Các đơn vị đã chuyển vào nội thành 450 kg thuốc nổ TNT, trên 150 khẩu súng, 90 quả đạn và giữ được bí mật đến tận giờ nổ súng tấn công toàn bộ hậu phương an toàn của địch với nhiều cơ quan đầu não như Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân...Từ bài học quý giá này, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vô cùng quý báu.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ tặng hoa cho nữ tân binh nhập ngũ năm 2017

Trong chuyến dâng hương viếng Đền thờ và Nghĩa trang liệt sĩ TX. Long Khánh mới đây, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn dặn cán bộ chiến sĩ và lực lượng vũ trang Đồng Nai phải luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết, làm tốt công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, quân trong dân để đảm bảo chủ động trước mọi tình huống. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói: “Từ bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong bối cảnh hiện nay, quân và dân ta phải tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển đất nước”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã trải qua nửa thế kỷ nhưng bước ngoặt quyết định, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại cùng nhiều bài học kinh nghiệm quý báu vẫn mãi là hành trang để hôm nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Bích Thuận