Xã hội
Bắc Ninh: Nguồn vốn chính sách đồng hành cùng bà con xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế
02:45 PM 02/11/2018
(LĐXH) Đến nay, ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Ninh đã và đang thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng tại 100% các huyện, thị xã, thành phố. Lũy kế tổng doanh số cho vay đạt hơn 5.279 tỷ đồng, với 489.442 lượt hộ vay vốn; doanh số cho vay đạt 351,94 tỷ đồng/năm; mức cho vay bình quân đạt 10,8 triệu đồng/hộ.
Chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư tại Điểm giao dịch xã được ngân hàng CSXH tỉnh triển khai thông qua hoạt động nhận tiền gửi của các thành viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Hằng tháng, các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ có hoàn cảnh khó khăn có thể tham gia gửi tiết kiệm định kỳ 30 nghìn đồng. Nhờ vậy, các thành viên trong Tổ đều có khoản tích lũy để thực hiện trả gốc, lãi cho ngân hàng.
Thành phố Bắc Ninh hiện có hơn 5.000 hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm, số dư tiền gửi bình quân hơn 1,7 triệu đồng/hộ. Tổng tiền huy động đạt hơn 9 tỷ đồng, đạt 122,8% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Một số phường huy động tiền gửi tiết kiệm tốt như: Ninh Xá, Khắc Niệm, Võ Cường, Đáp Cầu.

Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Ninh tích cực triển khai đồng bộ và

phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi

 Bám sát các chương trình, kế hoạch của Trung ương, mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngân hàng CSXH tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác tích cực triển khai đồng bộ và phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi.
 Hiện tổng dư nợ của ngân hàng CSXH tỉnh uỷ thác cho các tổ chức Hội, đoàn thể đạt hơn 2.014 tỷ đồng, chiếm 98,69% tổng dư nợ ở hơn 2.300 Tổ TK&VV với hơn 82.000 lượt hộ dư nợ.
 Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện 8 chương trình ủy thác triển khai đến 100% tổ chức cơ sở Hội trên địa bàn với số vốn 589,8 tỷ đồng. Trong đó, Hội ND các cấp đã phối hợp với ngân hàng CSXH tỉnh duy trì hiệu quả 713 Tổ TK&VV cho 24.370 lượt hộ vay với tổng dư nợ đạt gần 590 tỷ đồng.
Cho hộ nghèo vay vốn tín dụng chính sách
 Gia đình chị Trần Thị Tĩnh ở thôn An Cường, xã Minh Tân, huyện Lương Tài là một trong những gương điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi. Được vay 15 triệu đồng vốn ngân hàng CSXH huyện đầu tư trồng cà rốt. Sau 3 năm gia đình chị thoát nghèo và hoàn vốn cho ngân hàng đúng hạn. Đầu năm 2017, gia đình chị tiếp tục vay 50 triệu đồng từ ngân hàng CSXH huyện cải tạo ao nuôi cá và hệ thống nước tưới phục vụ sản xuất cà rốt. Vụ cà rốt đầu tiên cho gia đình chị thu hoạch 6 triệu đồng/sào. Đến nay, gia đình chị không lo tái nghèo.
 Ông Nguyễn Đức Luật ở thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du được ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng mua bò giống, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay đàn bò sữa sinh trưởng tốt, trung bình mỗi con trị giá 60 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ sữa bò, ông còn có thêm nguồn thu từ việc bán bê giống. Ông Luật chia sẻ: “Hiện gia đình tôi nuôi 4 con bò sữa. Trung bình mỗi con thu 15kg sữa/ngày, mỗi lít khoảng 10 nghìn đồng, bình quân 4 con bò sữa cho gia đình nguồn thu 600 nghìn đồng/ngày. Đợt cao điểm gia đình tôi có 8 con bò sữa”.
 Được vay 200 triệu đồng của ngân hàng CSXH huyện, ông Nguyễn Công Tiến ở thôn Vĩnh Phú, xã Phật Tích, huyện Tiên Du đã đầu tư trang thiết bị, máy móc phát triển nghề mộc. Hiện ông có nhà xưởng rộng 300m2, với 10 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 8 - 10 triệu đồng/tháng/người. Năm 2017 gia đình ông đạt doanh thu 4,5 tỷ đồng.
 Đến năm 2020, ngân hàng CSXH tỉnh phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng CSXH; giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng, hoàn thành 100% kế hoạch huy động; nâng cao hiệu quả hoạt động tại Điểm giao dịch xã.
Trung Hiếu