Xã hội
Bạc Liêu: Kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer
02:29 PM 30/10/2018
(LĐXH) - Bạc Liêu là tỉnh có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, có 30 xã thuộc vùng khó khăn, 10 xã và 41 ấp đặc biệt khó khăn được đầu tư Chương trình 135 (giai đoạn 2016 – 2020). Nhờ thụ hưởng những chính sách ưu đãi nên nhiều hộ đồng bào Khmer mở rộng sản xuất và áp dụng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã dành nhiều chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, không thể không kể đến sự chăm lo, vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, mạnh thường quân. Từ đó, những giải pháp cụ thể đã được vạch ra để giúp hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer tìm được những mô hình làm ăn hiệu quả, phát triển sản xuất, từng bước thoát khỏi nghèo khó và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer đã đạt được những kết quả khả quan. Mục tiêu giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đã đặt thành nhiệm vụ, chỉ tiêu tập trung trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị các cấp.
Ông Trần Hoàng Duyên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh bàn giao nhà cho các hộ đồng bào
dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phước Long
Theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc gắn liền với công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2017, thời gian qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc được triển khai thực hiện khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực, phủ kín các địa bàn vùng dân tộc thiểu số như: Chương trình 135 với tổng nguồn vốn được ngân sách Trung ương phân bổ trên 113 tỷ đồng; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc, nhất là an sinh xã hội (đầu tư cho vay phát triển sản xuất, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, đỡ đầu hộ nghèo, giải quyết việc làm…); kết hợp chặt chẽ các chính sách của Trung ương đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hộivà phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tỉnh nhà.
Đến nay, cuộc sống của đồng bào Khmer tại các địa phương trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, số hộ nghèo trong đồng bào Khmer đã giảm dần và số khá, giàu liên tục tăng lên.
Những năm gần đây, nhất là từ khi các chương trình mục tiêu của Chính phủ đầu tư cho vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống bà con không ngừng phát triển. Chỉ tính riêng năm 2017, tỉnh đã được phân bổ gần 17 tỉ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Khmer.
Cùng với đó, tỉnh cũng được đầu tư nguồn vốn hơn 5,7 tỉ đồng (theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ) giúp gần 16.000 hộ đồng bào Khmer đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của địa phương, cộng với ý thức vươn lên của đồng bào Khmer, nên năm qua có hơn 1.000 hộ là đồng bào Khmer trong tỉnh thoát nghèo bền vững, góp phần giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 3.249 hộ (chiếm 18,87%); hộ cận nghèo 2.230 hộ (chiếm 16,41%).
Tuy nhiên, để tiếp tục tiếp sức đồng bào dân tộc Khmer giảm nghèo bền vững, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể. Ông Trần Hoàng Duyên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách được đầu tư trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Ban sẽ chủ công vận động các nguồn lực để chăm lo đồng bào dân tộc, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ mới thoát nghèo và hộ đặc biệt khó khăn để cuộc sống của đồng bào, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer ngày một tốt hơn.
“Mới đây, mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Ban Dân tộc vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 71 căn nhà tình thương cho hộ dân tộc Khmer nghèo, mỗi căn trị giá từ 25 – 40 triệu đồng, tùy theo điều kiện của nhà tài trợ và 3.000 suất quà để hỗ trợ đồng bào vui xuân đón tết...với tổng trị giá hơn 3,5 tỉ đồng...
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương và các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào Khmer. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ triển khai kế hoạch để nhân rộng các gương điển hình vượt khó vươn lên trong đồng bào Khmer”, ông Duyên nói.

Nam Khánh