Xã hội
Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả các chương trình giảm nghèo
02:42 PM 08/03/2021
Xác định Chương trình giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, tập trung khuyến khích các hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo và giảm nghèo bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Bắc Kạn.
Triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách
Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao nằm ở vùng Đông Bắc Bắc bộ, có địa hình tự nhiên không thuận lợi, dân tộc thiểu số chiếm trên 86%, nền kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bắc Kạn đã tích cực đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án gắn với giảm nghèo bền vững. Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, Chương trình hành động, Đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng thời kiện toàn các Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững từ cấp tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, các chương trình, chính sách giảm nghèo có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể, tạo được sự lan tỏa, đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Người dân nông thôn Bắc Kạn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để xây dựng các công trình nước hợp sinh
Trong giai đoạn 2016 - 2020, được sự quan tâm của Trung ương, Bắc Kạn được bố trí tổng vốn kế hoạch Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững là trên 1.080 tỷ đổng, trong đó: vốn đầu tư là trên 814 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 266 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường, lớp học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tập trung tại các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn được xây dựng mới hoặc duy tu bảo dưỡng. Các công trình đã được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, góp phần mở rộng giao thương, cải thiện điều kiện sinh sống và sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân.
Song song với xây dựng hạ tầng, Bắc Kạn đã triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế, các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình "mỗi xã, phường một sản phẩm", Chương trình 135, 30A, Chương trình xây dựng nông thôn mới qua đó thúc đẩy hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia phát triển kinh tế theo hình thức kinh tế tập thể phát huy nội lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 - 2020, có trên 75.600 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, giúp họ có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, ngành nghề mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ về: Giáo dục và đào tạo; nhà ở; tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; tiền điện; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù… được triển khai kịp thời, đúng quy định, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Đến năm 2020, Bắc Kạn đã có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%, tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98% và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%.
Mô hình trồng cây đậu tương đang giúp người dân xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm giảm nghèo hiệu quả
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh đã có  được những chuyển biến đáng ghi nhận. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 26,61%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,93% thì đến năm 2019 giảm còn 19,57% hộ nghèo và 11,33% hộ cận nghèo. Đối với các huyện nghèo (Pác Nặm, Ba Bể), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40,18% (2016) xuống còn 27,55% (2019).Trong năm 2020, mặc dù có nhiều yếu tố bất lợi nhưng Bắc Kạn đã nỗ lực để hoàn thành mục tiêu là giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 2,5% nữa, góp phần đạt mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra (mỗi năm giảm 2%-2,5%). Qua rà soát đánh giá huyện nghèo giai đoạn2016-2020, Tỉnh đã có huyện Ba Bể thoát nghèo.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề để giảm nghèo bền vững
Để duy trì kết quả giảm nghèo bền vững, Bắc Kạn đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Bắc Kạn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo nghề trong toàn tỉnh ở các cấp trình độ đào tạo đạt trên 31 nghìn lao động; đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng đạt gần 28,7 nghìn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 45%. Sau học nghề, có trên 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học được áp dụng vào thực tế sản xuất; có trên 70% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Không chỉ quan tâm đến đối tượng lao động nông thôn, Bắc Kạn đã rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp theo hướng tinh gọn giảm đầu mối, chú trọng đào tạo chất lượng cao gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước. Sau khi sắp xếp, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 19 cơ sở, trong đó có 01 trường cao đẳng duy nhất, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 03 trung tâm có tham gia giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy; tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị đào tạo nghề và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên; đổi mới giáo trình đảm bảo 70% thời gian thực hành; có sự kết nối với các doanh nghiệp trong quá trình thực tập và tuyển dụng học sinh. Nổi bật, Trường cao đẳng Bắc Kạn đã ký kết hợp tác đào tạo với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, Trường đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nghiệp đối tác (khoảng 250 học sinh), các em được làm việc đúng các nghề được đào tạo thu nhập bình quân từ 8 – 10 triệu đồng/tháng.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân, lao động đã qua đào tạo có thêm cơ hội làm việc, Tỉnh đã quan tâm đầu tư, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Kạn đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng CNTT, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin và hỗ trợ người lao động tại khu vực vùng sâu, vùng xa đi làm việc tại các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh. Với những giải pháp tổng thể, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt đã làm thay đổi đời sống nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người./.
PV