Lao động
Bắc Giang triển khai giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
06:12 PM 22/01/2022
(LĐXH)- Để làm tốt công tác phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, đặc biệt là chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch và chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và đạt được những kết quả ghi nhận.
Phải khẳng định rằng, năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có. Đối với Bắc Giang, có thời điểm là tâm dịch của cả nước, hầu hết các khó khăn, vướng mắc.
Bắc Giang hiện có dân số trên 1,8 triệu người, trong đó 65,8% trong độ tuổi lao động; năm 2021, lực lượng lao động có hơn 1,135 triệu người. Dự báo giai đoạn 2022 – 2025, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển 60.000 đến 75.000 lao động/năm.
Để làm tốt công tác phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, đặc biệt là chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch và chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện.
Cụ thể, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong đó, Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%; toàn tỉnh có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tối thiểu 04 trường Cao đẳng), tổng quy mô tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 31.000 lao động/năm.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thăm Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn (tỉnh Bắc Giang)

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, chi hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp...
UBND tỉnh ban hành Đề án về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và giải quyết việc làm; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp...
Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; mục tiêu chủ yếu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, tạo việc làm mới cho 32.000 lao động/năm; tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp: hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; kết nối thị trường lao động trong và ngoài tỉnh...
Kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học, bệnh viện và các thiết chế văn hóa để góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
Mặc dù năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, có thời điểm tỉnh phải dừng hoạt động toàn bộ các khu công nghiệp... Nhưng đến tháng 8/2021, Bắc Giang đã có 100% các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại; có 305.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp, trong đó các Khu công nghiệp có 190.000 người, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng thêm hơn 40.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 21%.
Để làm tốt hơn nữa công tác phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm hiệu quả hơn cho người lao động, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã và đang triển khai trong các kế hoạch, Nghị quyết, Đề án nêu trên, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể là: Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, việc làm cho người sử dụng lao động và người lao động hướng tới mục tiêu người sử dụng lao động hiểu, tự giác chấp hành pháp luật lao động; người lao động nâng cao ý thức tự bảo vệ, chủ động yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định và phối hợp cung cấp thông tin về tình trạng việc làm, nhu cầu học nghề, nhu cầu tìm việc làm cho chính quyền địa phương.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh tạo nhu cầu thu hút lao động, trong đó tập trung ưu tiên các dự án, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động qua đào tạo, lao động có chứng chỉ đạo tạo trình độ cao.
Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp; nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; chấn chỉnh, thu gọn đầu mối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục hoạt động kém chất lượng; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, nhất là trình độ cao đẳng, trung cấp. Tập trung phát triển số lượng, chất lượng cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi để chuyển đổi ngành nghề, tiếp cận tốt thị trường lao động; thực hiện nghiêm chủ trương phân luồng học sinh; từng bước ban hành, cập nhật, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật đối với những ngành nghề mới, những ngành nghề mà nhu cầu đào tạo, học tập cao, những ngành nghề phục vụ yêu cầu phát triển bền vững và thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nghề trọng điểm, đầu tư để Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt Hàn đáp ứng đủ các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; thành lập Trường Cao đẳng nghề miền núi Yên Thế trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp nghề miền núi Yên Thế. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp như: tham gia xây dựng nội dung chương trình đào tạo; tạo điều kiện cho người học nghề thực tập thực tế tại doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp có đủ điều kiện, chứng chỉ về sư phạm tham gia dạy nghề...
Thực hiện tốt việc nắm bắt kịp thời nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp (kết nối zalo, thường xuyên trao đổi nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp);  nắm chắc nguồn cung lao động đến cấp xã. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.

Chí Tâm