Lao động
Bắc Giang: Thực hiện hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động
10:52 AM 28/10/2021
(LĐXH) - Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, Ban, ngành Trung ương và địa phương; sự cố gắng nỗ lực của các cơ sở, doanh nghiệp và người lao động, việc thực thi Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành, ngay sau khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổng hợp, biên soạn các quy định cơ bản của pháp luật về ATVSLĐ, sau đó thông báo và yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và UBND các huyện, thành phố tập trung, triển khai thực hiện
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016 – 2020; hàng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ.
Để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về ATVSLĐ như Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động, bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp trong các năm, từ 2017 - 2020 (trong đó có chỉ đạo chấm điểm phân loại việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ); Công văn số 986/UBNDKGVX ngày 19/4/2016 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, an toàn lao động, ổn định tình hình lao động, việc làm; Công văn số 3900/UBND-KGVX ngày 06/12/2016 về việc tăng cường công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Công văn số 269/UBNDKGVX ngày 23/01/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa TNLĐ tái diễn do hàn điện...

Sở LĐTBXH tổ chức lớp huấn luyện ATVSLĐ cho người làm công tác quản lý tại doanh nghiệp năm 2020

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã ban hành trên 300 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, tham gia ý kiến về thực hiện công tác ATVSLĐ, chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả các hoạt động về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến Luật ATVSLĐ được đẩy mạnh. Trong 05 năm qua, tỉnh đã tổ chức triển khai 45 cuộc tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền về Luật ATVSLĐ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho gần 3.500 lượt người tham dự; Sở LĐTBXH đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để giải đáp những câu hỏi về lĩnh vực lao đông, việc làm trong đó có các câu hỏi về ATVSLĐ; Toàn tỉnh đã xây dựng và phát sóng 50 phóng sự, phỏng vấn và đưa trên 1.000 tin bài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các tạp chí chuyên đề về ATVSLĐ; Đến cuối năm 2020, đã có 135 mạng lưới ATVSLĐ được thành lập với 600 an toàn, vệ sinh viên.
Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức thành công Tháng hành động về ATVSLĐ, thu hút được sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp và người lao động, góp phần đưa tháng 5 hàng năm trở thành cao trào trong công tác tuyên truyền, thực hiện về ATVSLĐ.
Trong 05 năm qua, Sở LĐTBXH đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại gần 150 doanh nghiệp và tổ chức phát gần 3.000 phiếu tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, trong đó có Luật ATVSLĐ cho doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động. Kết quả tự kiểm tra giúp doanh nghiệp, cơ sở tự rà soát, hoàn thiện các nội dung mà đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt. Bên cạnh đó, để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân chấp hành tốt về ATVSLĐ, trong 05 năm qua tỉnh có 85 tập thể, cá nhân được Trung ương và địa phương khen thưởng, trong đó có 25 tập thể, 60 cá nhân. Hoạt động khen thưởng kịp thời nhằm ghi nhận những thành tích mà tập thể, cá nhân đã đóng góp cho công tác ATVSLĐ
Có thể nói, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh được thực hiện nề nếp, hiệu quả; các cấp, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều cố gắng, tích cực, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, với nhiều cách làm sáng tạo; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các Sở, ban, ngành quản lý chuyên ngành (Y tế, Công thương, Xây dựng, Công an, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh ...), đã triển khai được nhiều hoạt động có hiệu quả về ATVSĐ, ban hành kịp thời văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, hướng dẫn, triển khai công tác ATVSLĐ.
Giai đoạn 2016-2020, Sở LĐTBXH đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại gần 150 doanh nghiệp
Công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ được thực hiện một cách thường xuyên, đa dạng; từng bước đổi mới về nội dung, hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả được nâng cao; tổ chức điều tra, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ TNLĐ chết người. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đã quan tâm kiện toàn, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ định kỳ; phân định rõ chế độ trách nhiệm của các bộ phận trong công tác ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ được đổi mới với nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo. Đề cao ý thức tự kiểm tra một cách thường xuyên của cơ sở để chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn trong sản xuất. Các chế độ, chính sách đối với người lao động như: trang bị phương tiện bảo hộ lao động, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện BNN; ăn ca, bồi dưỡng độc hại; bồi thường, trợ cấp TNLĐ, BNN... đã được người sử dụng lao động quan tâm, thực hiện. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động từng bước được nâng cao tại một số doanh nghiệp đã có đầu tư về (nhà ăn, nhà tắm, trang bị điều hòa trong nhà xưởng...). Nhận thức, ý thức của các Sở, ban, ngành, địa phương, của người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ dần được nâng cao. Các giải pháp mang tính chất “phòng ngừa” được chủ động thực hiện, trên cơ sở đánh giá rủi ro, nhận diện các nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ.
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh còn để xảy ra 491 vụ TNLĐ làm 262 người bị nạn và làm cho 28 người thiệt mạng. Cũng trong giai đoạn này, theo Thông báo tình hình TNLĐ trên toàn quốc của Bộ LĐTBXH thì trong 05 năm liền tỉnh Bắc Giang không nằm trong danh sách 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất./.
Minh Hưng