Xã hội
Bắc Giang tập trung xóa hết hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công
11:24 AM 01/04/2022
(LĐXH)- Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025), toàn tỉnh Bắc Giang còn 44 hộ nghèo và 136 hộ cận nghèo thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Cụ thể, hộ nghèo người có công 44 hộ, gồm: 10 hộ có thành viên trong hộ là người hưởng chế độ thương binh, 06 hộ có thành viên trong hộ hưởng chế độ bệnh binh, 13 hộ có thành viên trong hộ hưởng chế độ chất độc hóa học, 15 hộ hưởng chế độ tuất liệt sĩ. Hộ cận nghèo người có công 136 hộ, gồm: 65 hộ có thành viên trong hộ là người hưởng chế độ thương binh, 12 hộ có thành viên trong hộ hưởng chế độ bệnh binh, 24 hộ có thành viên trong hộ hưởng chế độ chất độc hóa học, 34 hộ hưởng chế độ tuất liệt sĩ và 01 hộ hưởng chế độ tù đày.
Huyện Sơn Động là địa phương có số hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công nhiều nhất tỉnh tỉnh Bắc Giang, gồm 31 hộ nghèo, chiếm tỷ 70,5% và 98 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 72%. Thành phố Bắc Giang, huyện Việt Yên, huyện Lục Nam là những địa phương không có hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công.
Sơn Động là huyện có số hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công nhiều nhất tỉnh tỉnh Bắc Giang
Trong số 44 hộ nghèo người có công, có 35 hộ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, 27 hộ thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh môi trường, 20 hộ thiếu hụt về tiếp cận thông tin, 18 hộ thiếu hụt về nhà ở, 9 hộ thiếu hụt về y tế, 4 hộ thiếu hụt về giáo dục, 23 hộ thiếu hụt về thu nhập. Còn 136 hộ cận nghèo người có công có 78 hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, 30 hộ thiếu hụt về y tế, 11 hộ thiếu hụt về giáo dục, 22 hộ thiếu hụt về nhà ở, 35 hộ thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh môi trường, 13 hộ thiếu hụt về tiếp cận thông tin.
Hiện nay, phần lớn các hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công đều cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, có những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cụ thể, qua thống kê toàn tỉnh có 30 hộ có thành viên thường xuyên ốm đau, bệnh nặng phải điều trị dài ngày, tốn kém, thiếu người chăm sóc giúp đỡ; có 26 hộ thiếu sức lao động, đông người ăn theo, thu nhập thấp không ổn định, chủ yếu trông vào chế độ trợ cấp của nhà nước, hoặc thuần nông bấp bênh...
Cũng theo khảo sát, tỉnh Bắc Giang có 16 hộ nghèo người có công đề nghị hỗ trợ việc làm, vốn phát triển sản xuất; 22 hộ đề nghị hỗ trợ tăng thu nhập để ổn định đời sống, 10 hộ đề nghị hỗ trợ về bảo hiểm y tế, 08 hộ đề nghị hỗ trợ về nhà ở, 01 hộ đề nghị hỗ trợ giáo dục và 05 hộ đề nghị hỗ trợ về nước sạch, vệ sinh môi trường. Đối với hộ cận nghèo người có công, có 96 hộ đề nghị hỗ trợ việc làm, vốn sản xuất; 67 hộ đề nghị hỗ trợ tăng thu nhập, ổn định đời sống; 25 hộ đề nghị hỗ trợ y tế, 08 hộ đề nghị hỗ trợ giáo dục; 05 hộ đề nghị hỗ trợ nhà ở và 02 hộ đề nghị hỗ trợ về nước sạch, vệ sinh môi trường.
Để thực hiện mục tiêu xóa nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công trong năm 2022, cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo người có công với cách mạng thoát nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua đó tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công; hạn chế tối đa để hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới; phấn đấu nâng mức sống của những hộ gia đình người có công lên bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân ở địa phương nơi cư trú.
Cụ thể, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh không còn hộ nghèo người có công; các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng, Yên Thế, Lục Ngạn phấn đấu xóa xong 100% hộ cận nghèo người có công. Riêng huyện Sơn Động, ngoài mục tiêu xóa xong hộ nghèo người có công, phấn đấu hỗ trợ 40% hộ cận nghèo người có công thoát nghèo; năm 2023, hoàn thành mục tiêu hỗ trợ 100% hộ cận nghèo người có công thoát nghèo bền vững.
Về các chính sách hỗ trợ, đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công thuộc diện không tự thoát nghèo được (hộ không có người có khả năng lao động tạo thu nhập cho gia đình), địa phương lập danh sách, nêu rõ hoàn cảnh cụ thể của từng hộ và thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội phù hợp về: nhà ở, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phương tiện nghe, nhìn, trợ cấp hàng tháng từ nguồn vận động xã hội và từ nguồn ngân sách Nhà nước (nếu có).
Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công có khả năng tự vươn lên thoát nghèo (có điều kiện vốn, lao động, đất đai…), địa phương phân công cán bộ trực tiếp khảo sát đặc điểm và các điều kiện sống của hộ gia đình, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ hộ, các thành viên có khả năng lao động về nhu cầu cần hỗ trợ để thực hiện kế hoạch thoát nghèo; xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh thực tế và nguyện vọng của hộ gia đình. Quan tâm ưu tiên các hộ tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, vay vốn, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động… Phấn đấu thực hiện mục tiêu hỗ trợ mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo có sức lao động và nhu cầu việc làm, trong đó ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững và thu nhập ổn định. Đồng thời, hỗ trợ thêm về thu nhập để hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công sớm thoát nghèo.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND các huyện tiến hành khảo sát, rà soát cụ thể hoàn cảnh của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công, xác định chính xác nguyên nhân nghèo, cận nghèo của hộ, từ đó xây dựng phương án xoá nghèo cho từng hộ, tập trung vào các nội dung: dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà ở; chuồng trại chăn nuôi, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, các điều kiện sản xuất, cây giống, con giống, cho vay vốn để phát triển sản xuất; trợ cấp xã hội cho gia đình và trực tiếp cho người có công bị ốm đau dài ngày…
Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi người có công; các chế độ, chính sách về giảm nghèo cho các đối tượng theo quy định. Ưu tiên nguồn lực Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, các nguồn hỗ trợ vận động trên địa bàn để thực hiện các giải pháp hỗ trợ xoá nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo người có công. 

Chí Tâm