Lao động
Bắc Giang: Tập trung giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân
02:48 PM 20/09/2020
(LĐXH)- Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở Lạng Giang (Bắc Giang) đạt được kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 3.350 lao động có việc làm mới, đạt hơn 80% kế hoạch năm.
Nhiều lao động có việc làm mới
Chị Nguyễn Thị Hào ở thôn Tây, xã Tiên Lục là một trong những nông dân tìm thấy cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho gia đình sau khi học nghề trồng nấm dịp đầu năm ngoái. Chị chia sẻ: "Từ kiến thức được tiếp thu và huyện hỗ trợ vốn, giữa năm 2019 tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng lán trại. Hiện gia đình có 700 bịch nấm, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng, cuộc sống cũng dần khấm khá lên, hai vợ chồng không còn phải đi làm xa như trước".
Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Cụm Công nghiệp Nghĩa Hòa) tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện.
Là xã có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp, Tân Hưng luôn chủ động tìm việc cho người nông dân. Cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể rà soát tình hình thực tế, đề xuất mở các lớp dạy nghề. Trong đó ưu tiên hình thức vừa học vừa làm, liên kết với DN đào tạo theo địa chỉ. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, lao động có cơ hội việc làm cao. 
Chị Bùi Thị Thao (SN 2001), thôn Sông Cùng chia sẻ: “Học hết THPT, kinh tế khó khăn nên tôi muốn đi làm luôn để phụ giúp gia đình. Được nhà trường hướng nghiệp, các đơn vị tuyển dụng tư vấn, tôi tham gia lớp học nghề may công nghiệp do UBND xã và Tổng Công ty May Bắc Giang LGG phối hợp tổ chức. Sau 2 tháng tôi được nhận vào làm việc tại Công ty”. 
Cũng như chị Thao, mỗi năm, hàng nghìn người dân trong độ tuổi lao động ở huyện được tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm. Riêng 8 tháng qua, các DN trên địa bàn đã tuyển dụng gần 2 nghìn lao động địa phương. Theo đánh giá của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, đa số lao động sau học nghề có việc làm ổn định.
Đa dạng hình thức
Trên địa bàn huyện hiện có gần 400 doanh nghiệp (DN) hoạt động. Với lợi thế này, huyện chỉ đạo ngành chức năng và các xã, thị trấn quan tâm rà soát tình hình lao động, việc làm; liên hệ với các DN tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng để có hướng đào tạo. Trong đó ưu tiên nhóm nghề cơ khí, điện dân dụng, may công nghiệp. Các đơn vị dạy nghề cũng đổi mới cách tổ chức như dạy nghề lưu động ở các xã, thị trấn. 
Người lao động được hỗ trợ vay vốn tự tạo việc làm tại chỗ

Địa điểm đặt lớp học là ở nhà văn hóa thôn, xã. Mới đây, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã Hương Sơn. Tham gia có các DN trong và ngoài huyện đăng ký tuyển dụng hơn 300 vị trí việc làm, chủ yếu là: Cán bộ kỹ thuật, công nhân may, điện tử, cơ khí, nhân viên thị trường, xuất khẩu lao động. Mức lương từ 3 đến 8 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn phụ cấp ưu đãi. Kết quả, có gần 150 lao động được các công ty phỏng vấn trực tiếp và lựa chọn vào những vị trí phù hợp. 
Tìm việc tại các phiên giao dịch việc làm người lao động không bị phát sinh thêm các chi phí bên ngoài và hơn hết là được tư vấn, trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng. Mặt khác, các DN cũng sẽ tuyển được lao động có chất lượng mà không phải qua môi giới. Ngoài ra, thông qua Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên... người lao động cũng được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; được tập huấn nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đó, phát triển những mô hình kinh tế có thu nhập cao, bền vững.
Ông Nguyễn Huy Tùng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với lao động nông thôn thuộc diện ưu đãi khi tham gia học nghề. Tiếp tục gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn kết nối với các cơ sở đào tạo nghề trong tuyển dụng lao động.
PV