Xã hội
Bắc Giang: Quan tâm trợ giúp người khuyết tật học nghề và tìm kiếm việc làm
12:12 PM 22/11/2017
Nhờ sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, nhiều người khuyết tật của tỉnh Bắc Giang đã được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Nhưng do hạn chế về sức khỏe, trình độ tay nghề, chính sách tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) nên mong muốn có được công việc phù hợp, ổn định của những người yếu thế vẫn gặp không ít rào cản.
Có công việc, có niềm vui
Từ khi chào đời, chị Nguyễn Thị Lý (SN 1988), xã Hương Sơn (Lạng Giang) đã phát triển không bình thường. Vượt qua mặc cảm bởi cơ thể "tý hon", năm 2008, chị thi đỗ vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ (nay là Trường Đại học Sao Đỏ - Hải Dương). Tốt nghiệp Khoa Công nghiệp may, chị được Công ty cổ phần-Tổng Công ty May Bắc Giang tuyển dụng. Đến nay, chị đã có gần 6 năm làm việc ở bộ phận kho, cuộc sống ổn định với thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. “Được lãnh đạo DN quan tâm sắp xếp vị trí phù hợp, đồng nghiệp chia sẻ, giúp đỡ nên tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi việc được giao. Tôi thấy mình thật may mắn vì tìm được việc làm và xây dựng tổ ấm hạnh phúc”- chị Lý xúc động nói.
Chị Nguyễn Thị Lý (bên phải) ổn định cuộc sống nhờ tìm được việc làm ổn định tại Công ty cổ phần -Tổng Công ty May Bắc Giang
Sau 5 năm gắn bó với Trung tâm Nhân đạo Phú Quý (TP Bắc Giang), năm 2010, Ngô Thị Yến (SN 1991), quê ở xã Đồng Lạc (Yên Thế) trở về cộng đồng. Tình cờ gặp lại, chúng tôi vui mừng bởi cuộc sống của Yến đã có nhiều thay đổi. Là con thứ hai trong gia đình 3 chị em, tuy bị câm điếc bẩm sinh song Yến khá hoạt bát, khéo léo nên tiếp thu nhanh kỹ năng thêu, may khi được học nghề tại Trung tâm. Thấy vậy, gia đình không nguôi hy vọng và nộp đơn xin việc nhiều nơi để em có cuộc sống bình thường như bao người. Cuối cùng, một công ty trên địa bàn xã đã nhận em vào làm. Từ khi có công việc, thu nhập ổn định, cô gái trẻ thấy tự tin, vui vẻ, cha mẹ của Yến đã yên tâm về em. 
Lý và Yến là hai trong số nhiều người khuyết tật trong tỉnh được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm nhờ các chính sách an sinh xã hội của T.Ư, tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng của Chính phủ, tỉnh đã dành hơn 5 tỷ đồng tổ chức 60 lớp đào tạo nghề, chủ yếu là mây tre đan, may công nghiệp, tẩm quất… cho khoảng 1.500 người. 
Cộng đồng chung tay
Có thể thấy rõ ý nghĩa nhân văn từ những chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Toàn tỉnh hiện có gần 6 nghìn người khuyết tật có việc làm, trong số đó chỉ có gần 7% duy trì công việc và thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, phần lớn người khuyết tật hiện nay được đào tạo nghề ngắn hạn, đa số làm việc trong các tổ chức nhân đạo, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Một số đơn vị như: Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc; Trung tâm Nhân đạo Phú Quý; Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thương binh, xã Việt Lập (Tân Yên)… lồng ghép dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người khuyết tật nhưng số lượng không đáng kể. Bên cạnh tay nghề, trình độ văn hóa hạn chế cũng là rào cản khiến họ khó tiếp cận công việc ổn định. Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 9,4% người khuyết tật học hết bậc THPT. Khó tìm việc, rất nhiều bạn trẻ dù còn sức lao động song đành ở nhà sống dựa vào gia đình. 
Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, Luật Người khuyết tật năm 2010 và một số nghị định của Chính phủ cũng quy định cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân không được từ chối nhận và phải tuyển dụng 2-3% lao động khuyết tật có đủ tiêu chuẩn theo ngành nghề. Thế nhưng trên thực tế chưa có nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng. Ông Phí Văn Duyệt, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty cổ phần-Tổng Công ty May Bắc Giang chia sẻ: “Từ khi thành lập đến nay, Công ty tiếp nhận hàng chục lao động khuyết tật vào làm việc. Qua đánh giá, họ đều có trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu ở vị trí được giao. Tuy vậy, do những khó khăn trong hướng dẫn, sắp xếp công việc nên đến nay chúng tôi vẫn chưa có ưu đãi cụ thể khi tuyển dụng đối tượng này”.
Người khuyết tật còn khả năng lao động không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tạo việc làm ổn định, phù hợp cho họ là giải pháp thiết thực góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của từng nhóm đối tượng; chú trọng đào tạo theo hướng vừa học vừa làm, liên kết với DN, cơ sở sản xuất, tạo việc làm bền vững. Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức phiên giao dịch chuyên đề để tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp cho những người yếu thế. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách ưu đãi, thúc đẩy việc tiếp nhận lao động khuyết tật. Người khuyết tật cũng cần phát huy tinh thần nỗ lực, tích cực học tập, trang bị kiến thức, nâng cao tay nghề để khẳng định mình".
Tường Vi