Lao động
Hà Giang nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động
06:19 PM 05/12/2018
(LĐXH)-Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đưa ra những giải pháp, cách triển khai đồng bộ để tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, xây dựng kế hoạch đưa đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát, tiếp cận thị trường lao động tại tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng; tiến hành ký biên bản thỏa thuận cung ứng lao động cho các tỉnh bạn. Các huyện, thành phố thành lập đoàn khảo sát, tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động; đồng thời chủ động tổ chức ngày hội việc làm, ngày hội khởi nghiệp và việc làm với sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động tạo kết nối cung - cầu lao động, giúp người lao động tiếp cận với các đơn vị tuyển dụng, qua đó có sự lựa chọn việc làm, học nghề phù hợp. Thông qua các dự án, nguồn vốn, năm 2017 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 16.600 lao động, đạt 102,8% kế hoạch, tăng 1,4% so với năm 2016.
Một lớp học may mặc tại Trường Cao đẳng Nghề.
Các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh chú trọng đến việc mở rộng hợp tác, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đến tỉnh tuyển dụng lao động hoặc liên kết với Trung tâm dịch vụ việc làm để tuyển dụng lao động như: Công ty Sam Sung, Canon, Bujeon, GL Display và các công ty may mặc…, đã có trên 4.250 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, chiếm 25,52% số lao động được giải quyết việc làm trong năm, tăng 6,2% so với năm 2016. Trong năm 2017, có 318 lao động đi làm việc theo thỏa thuận về hợp tác quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Việc đưa lao động đi đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trong nước cũng chuyển biến tích cực, toàn tỉnh có 165 lao động học hệ trung cấp và sơ cấp tại các Trường Cao đẳng nghề than, khoáng sản Việt Nam, Cao đẳng nghề Việt Hàn; ngoài ra, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn phối hợp với các doanh nghiệp, HTX đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng cho 474 lao động…
Bên cạnh chú trọng công tác giải quyết việc làm, tỉnh thực hiện rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng theo nhu cầu thị trường lao động. Tiến hành sáp nhập các Trung tâm dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) các huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX; xây dựng Đề án sáp nhập Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Hà Giang vào Trường Cao đẳng nghề và đổi tên thành Trường Cao đẳng kỹ thuật và công nghệ Hà Giang; Đề án nâng cấp trường Trung cấp Y tế thành trường Cao đẳng Y tế Hà Giang, qua đó tạo sự thống nhất, nâng cao chất lượng dạy nghề. Bên cạnh việc quy hoạch các cơ sở dạy nghề công lập, tỉnh tạo điều kiện để các cơ sở, trung tâm dạy nghề ngoài công lập được hoạt động với nhiều ngành, nghề khác nhau, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân. Cùng đó là vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh cho học sinh, sinh viên học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo cho 13.654 người, đạt 105% kế hoạch. Trong đó hệ cao đẳng, trung cấp là 1.045 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 12.609 người. Cơ cấu ngành nghề nông nghiệp chiếm 55,8%, phi nông nghiệp chiếm 44,2%...
Đồng chí Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ - TBXH chia sẻ: Để thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu trong năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo mới hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề khoảng 13.000 người; phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,3%./.
Hoàng Ngọc