Giáo dục - Nghề nghiệp
Bắc Giang: Những kết quả tích cực trong công tác giáo dục nghề nghiệp
03:04 PM 20/06/2022
(LĐXH) – Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang, trong 2 năm 2020-2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 60.174 người đạt 105,6% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng 3.312 người, đạt 207% kế hoạch; trung cấp 8.842 người, đạt 163,7% kế hoạch; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 48.020 người, đạt 96% kế hoạch.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn trong giờ thực hành 
Những năm qua, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương thông qua việc ban hành nhiều văn bản như: Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 09/6/2021 về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kì mới; Quyết định số 787/QĐ-UBND ngày 31/7/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt "Đề án nâng cao chất lượng GDNN tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới"; Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 tại kỳ họp Thứ 5 Khóa XIX quy định một số chính sách hỗ trợ GDNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025… Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN đã chủ động triển khai, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở GDNN thực hiện các quy định của Luật GDNN và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động…
Nhằm nâng cao chất lượng công tác GDNN, tỉnh chú trọng đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề. Hiện toàn tỉnh 37 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN (04 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp, 14 trung tâm và 13 cơ sở hoạt động GDNN). Tổng quy mô tuyển sinh được cấp phép là 35.690 người/năm; Tổng số ngành, nghề được cấp phép đào tạo là 109 nghề. Các cơ sở GDNN đều có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề tối thiểu đáp ứng đủ cho quy mô đào tạo được cấp Giấy chứng nhận theo quy định. Một số cơ sở GDNN đã được đầu tư tương đối đồng bộ với những thiết bị đào tạo hiện đại phục vụ đào tạo nghề theo chuẩn cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia như: Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang; Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Sở LĐTBXH tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, công nghệ thông tin, ngoại ngữ... cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN. Tổng số nhà giáo GDNN tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh hiện nay là 880 người; trong đó: trình độ trên đại học chiếm 30%, đại học và cao đẳng chiếm 59,9%, trung cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 10,1%. Có 100% nhà giáo tại các trường cao đẳng, trung cấp đạt chuẩn theo quy định.  Chương trình đào tạo được các cơ sở GDNN chủ động xây dựng theo đúng quy định; có đại diện cán bộ khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia trực tiếp; được cập nhật phù hợp với tiến bộ mới của khoa học - công nghệ, sự thay đổi của công nghệ sản xuất tại các doanh nghiệp; thực tiễn sản xuất kinh doanh và dịch vụ của thị trường lao động.
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kịp thời triển khai, hướng dẫn các cơ sở GDNN, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về GDNN, trong đó có chính sách học phí, học bổng cho người học nhằm khuyến khích và thu hút học sinh tham gia học nghề.
Với các giải pháp đồng bộ, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong 2 năm 2020-2021, các cơ sở GDNN đã đào tạo nghề cho 60.174 người đạt 105,6% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng 3.312 người, đạt 207% kế hoạch; trung cấp 8.842 người, đạt 163,7% kế hoạch; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 48.020 người, đạt 96% kế hoạch. Góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến cuối 2021 đạt 70% (cao hơn tỷ lệ cả nước 5,5 %), trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 22,1%./.
Ngân Kiều