Xã hội
Bắc Giang: Những kết quả nổi bật trong thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020
01:47 PM 11/12/2020
(LĐXH) - Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh Bắc Giang đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới (BĐG). Đặc biệt là việc thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2020, đã tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em tiếp cận được với những chương trình, dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch...; Từng bước thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Trước tiên phải kể đến chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch cán bộ nữ. Với dân số trên 1,8 triệu người, trong đó nữ chiếm hơn 50%, là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh. Vì vậy, các cấp ủy Đảng đã chú trọng công tác quy hoạch và đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ trong diện được quy hoạch, nữ lãnh đạo quản lý các cấp. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 05 lớp cao cấp lý luận chính trị cho 531 học viên thuộc diện quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện, trong đó có 134 cán bộ nữ (chiếm 25,2%). Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã cử 160 cán bộ tham gia học đại học (nữ chiếm 21,8%), 405 cán bộ học trung cấp lí luận chính trị (nữ chiếm 32,8%), 273 cán bộ học cao cấp chính trị (nữ chiếm 37,5%) và bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2.403 cán bộ (trong đó có 1.021 cán bộ nữ, chiếm 42,5%).
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tặng hoa chúc mừng các đồng chí nữ lãnh đạo nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10
Đến nay, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội các cấp là 20,3%; Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh là 11,4%; Tỷ lệ cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có từ 30% nữ trở lên có cán bộ chủ chốt là nữ là 51%; Tỷ lệ cán bộ nữ là trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương cấp huyện, tỉnh là 42%; Một số cơ quan, đơn vị, địa phương trước đây chưa có người đứng đầu là nữ nay đã được kiện toàn; nhiều Sở, ngành có cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo cấp phó ngành. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, có trên 40 cán bộ nữ là lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; trong đó 01 đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 03 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đây là một bước tiến vượt bậc trong công tác phát triển đội ngũ lãnh đạo nữ của địa phương so với những nhiệm kỳ trước.
Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, việc làm có liên quan trực tiếp đến phụ nữ cũng được tích cực triển khai thông qua nhiều chương trình, đề án, như: Hỗ trợ người lao động tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; Các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp;  Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, tập trung vào khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ; Hỗ trợ giúp đỡ cho phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay của nhà nước, để có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ giấy phép kinh doanh… Qua đó, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 148.666 lao động, trong đó có 82.150 lao động nữ; Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 161.190 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 50,5% năm 2015 lên 70% năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 33% năm 2015 lên 46,5% năm 2020; Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng tăng nhanh, từ 157.270 lao động vào năm 2016, đến 2020 ước tăng lên 257.000 lao động; Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp khoảng 22,2%; Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%; Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khoảng 100%; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 3,5% trong năm 2016 xuống còn 3,1% vào năm 2020.
Công tác giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ cũng được chú trọng. Với việc thường xuyên cử cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, trình độ quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách dành cho cán bộ tham gia đào tạo, đơn cử như hỗ trợ 60 triệu đồng đối với trường hợp cán bộ nữ tham gia đào tạo nghiên cứu sinh trình độ Tiến sĩ.
Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng lên về mọi mặt. Đội ngũ nữ nhà giáo luôn phấn đấu thực hiện các tiêu chí người phụ nữ ngành giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Trình độ đạt chuẩn của giáo viên ở các cấp học khá cao: Mầm non đạt 99,8%, trên chuẩn đạt 83%; Tiểu học đạt 99,8%, trên chuẩn đạt 87,1%; THCS đạt 99,7%, trên chuẩn đạt 71%; THPT đạt 100%, trên chuẩn đạt 16,5%. Đến năm 2019, tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi 15-60 trên địa bàn tỉnh đạt 99,78%.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng triển khai đồng bộ và đa dạng các hoạt động chăm sóc sức khỏe và đảm bảo thụ hưởng các dịch vụ văn hóa- thông tin cho phụ nữ và trẻ em. Đội ngũ y, bác sỹ phát triển về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng; Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các cơ sở y tế có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế công lập, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng ở tuyến tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng chuyên khoa sâu, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị y tế, tích cực ứng dụng, phát triển kỹ thuật cao, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, nhiều kỹ thuật cao được triển khai ở các tuyến Đặc biệt, từ năm 2017, tỉnh đã triển khai thí điểm lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cho người dân. Đến năm 2019, có trên 90% người dân được lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe điện tử, ước đến hết năm 2020 con số này đạt 100%. Công tác xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, 100% số xã có trạm y tế và bác sỹ làm việc.
Lễ diễu hành truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh 
Các hoạt động văn hoá, thông tin, truyền thông tiếp tục phát triển phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu rộng, chất lượng ngày càng nâng cao; 64% làng, bản được công nhận danh hiệu văn hóa; 89,4% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa. Các mô hình về xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc BĐG được thực hiện hiệu quả, một số hủ tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ.
Thời gian qua, việc lồng ghép phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện BĐG trong gia đình cũng có những bước tiến đáng kể. Các hoạt động thực hiện BĐG trong gia đình được tổ chức rộng khắp từ cơ quan, đơn vị đến các địa phương trong toàn tỉnh với hình thức đa dạng, phong phú, như: Hội thảo "Truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình"; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Diễn đàn “Mẹ và con gái”; sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động”, “Kỹ năng nuôi dạy con thời hiện đại”… Toàn tỉnh cũng thực hiện hiệu quả hơn một trăm mô hình dịch vụ gia đình. Một số mô hình thu hút sự tham gia của đông đảo chị em phụ nữ như: Phụ nữ làm kinh tế giỏi; mô hình dịch vụ gia đình; ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; nhóm tư vấn cộng đồng; địa chỉ tin cậy; nhà tạm lánh... đã giúp phụ nữ tự tin, hiểu biết, phòng tránh các tệ nạn xã hội, phát triển khả năng tương đồng với nam giới.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 1.054 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, gia đình phát triển bền vững; 01 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Mô hình Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh và Mô hình CLB Hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam; 608 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 516 đường dây nóng, góp phần phát hiện, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình và chủ động phát hiện, tư vấn cho người gây bạo lực gia đình.100% các hộ gia đình ở địa phương có CLB được tuyên truyền, học tập Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới. Nam, nữ thanh niên địa phương được tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình trước khi kết hôn… Theo thống kê, số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2019, toàn tỉnh có 58 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm 75%). Đến nay, có ít nhất 50% nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện và được tư vấn tâm lý, pháp lý cũng hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe; 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen cho 102 phụ nữ tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác BĐG; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về BĐG trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; Tăng cường xã hội hóa trong việc tổ chức các hoạt động về BĐG. Trong đó, ưu tiên cho những ngành, vùng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có bất BĐG hoặc có nguy cơ cao về bất BĐG… Phấn đấu đến năm 2030, 100% các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm trên 50% cho mỗi giới; Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 35%; Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100%; Tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 70%; Tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt trên 50%; Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; Trên 70% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về tâm lý, pháp lý, được hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân của bạo lực gia đình.../.
Nguyễn Thị Hiền