Lao động
Bắc Giang: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, giúp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
03:48 PM 26/04/2022
(LĐXH) – Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp, ngành của tỉnh Bắc Giang quan tâm triển khai thực hiện, nhằm góp phần kiềm chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 7.105 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 305 nghìn lao động, trong đó ở các khu công nghiệp sử dụng trên 192 nghìn lao động, ngoài khu công nghiệp sử dụng gần 113 nghìn lao động. Để đảm bảo ATVSLĐ, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, thời gian qua, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cùng các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Bắc Giang đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ. Trong đó, đã ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách địa bàn để triển khai công tác ATVSLĐ; tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức về ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động và nhân dân. Các đơn vị cũng ban hành các tài liệu, tờ rơi để tuyên truyền các quy định ATVSLĐ đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố, các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về việc làm, an toàn lao động tại các xã, phường, thị trấn.
Công nhân Công ty TNHH Daeyang Hà Nội chấp hành nghiêm quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc
Thực hiện Luật ATVSLĐ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về ATVSLĐ như Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động, bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp trong các năm từ 2017 - 2020 (trong đó có chỉ đạo chấm điểm phân loại việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ); Công văn số 986/UBNDKGVX ngày 19/4/2016 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, an toàn lao động, ổn định tình hình lao động, việc làm; Công văn số 3900/UBND-KGVX ngày 06/12/2016 về việc tăng cường công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Công văn số 269/UBNDKGVX ngày 23/01/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng ngừa TNLĐ tái diễn do hàn điện...
Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã ban hành trên 300 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, tham gia ý kiến về thực hiện công tác ATVSLĐ, chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả các hoạt động về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến Luật ATVSLĐ được đẩy mạnh. Trong 05 năm qua, tỉnh đã tổ chức triển khai 45 cuộc tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền về Luật ATVSLĐ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho gần 3.500 lượt người tham dự; Sở LĐTBXH đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để giải đáp những câu hỏi về lĩnh vực lao đông, việc làm trong đó có các câu hỏi về ATVSLĐ; Toàn tỉnh đã xây dựng và phát sóng 50 phóng sự, phỏng vấn và đưa trên 1.000 tin bài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các tạp chí chuyên đề về ATVSLĐ; Đến cuối năm 2020, đã có 135 mạng lưới ATVSLĐ được thành lập với 600 an toàn, vệ sinh viên.
Từ năm 2016-2020, Sở LĐTBXH đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại gần 150 doanh nghiệp và tổ chức phát gần 3.000 phiếu tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, trong đó có Luật ATVSLĐ cho doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động. Kết quả tự kiểm tra giúp doanh nghiệp, cơ sở tự rà soát, hoàn thiện các nội dung mà đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt. Bên cạnh đó, để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân chấp hành tốt về ATVSLĐ, trong 05 năm qua tỉnh có 85 tập thể, cá nhân được Trung ương và địa phương khen thưởng, trong đó có 25 tập thể, 60 cá nhân. Hoạt động khen thưởng kịp thời nhằm ghi nhận những thành tích mà tập thể, cá nhân đã đóng góp cho công tác ATVSLĐ.
Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATVSLĐ, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang cũng tích cực tuyên truyền về phổ biến chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN; hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, giúp người lao động hiểu được những quyền và lợi ích của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời giúp các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ để hạn chế thấp nhất TNLĐ, đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động. Nhằm hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Ngày 21/04/2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn pháp luật về ATVSLĐ cho gần 500 cán bộ, gồm: Lãnh đạo, cán bộ phụ trách lĩnh vực ATVSLĐ của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội 10 huyện/thành phố và lãnh đạo, cán bộ quản lý phụ trách ATVSLĐ của hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị trực tuyến, học viên được cán bộ chính sách của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phổ biến những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và một số quy định hiện hành về ATVSLĐ, các quy định về khai báo và điều tra TNLĐ, BNN, hướng dẫn quy trình, thủ tục bồi thường và trợ cấp TNLĐ, hỗ trợ phòng ngừa và chia sẻ rủi ro. Tại Hội nghị đã trao đổi và giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách. Qua Hội nghị đã nhận thức rõ về tầm quan trọng trong công tác triển khai chính sách và công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, triển khai kịp thời và hiệu quả chính sách bồi thường TNLĐ, BNN; Người lao động, người sử dụng lao động nắm được quy trình, thủ tục bồi thường, trợ cấp TNLĐ và quan trọng  là việc cải thiện điều kiện lao động, thực hiện các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, BNN tại doanh nghiệp./.
Minh Cảnh