Nghiên cứu - trao đổi
An sinh xã hội và lao động – việc làm trong Hiến pháp năm 2013
09:30 AM 02/06/2016
(LĐXH)- Hiến pháp năm 2013 đã đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có quyền được bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời đối tượng chính sách cũng phải có trách nhiệm với hệ thống an sinh mà mình thụ hưởng.

Hiến pháp cũng đã khẳng định vai trò của Nhà nước, trách nhiệm của xã hội, nhiệm vụ của gia đình và cá nhân trong từng chính sách của hệ thống này.

Trước khi đi vào nội dung cụ thể chúng ta phải đề cập tới một số vấn đề có liên quan:

Thuật ngữ An sinh xã hội đã được sử dụng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng “THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI, ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI TRONG TỪNG BƯỚC VÀ TỪNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN”­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­ (trang 227). HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 2013 đã chính thức sử dụng thuật ngữ an sinh xã hội  và đã hiến định những nội hàm cơ bản của nó mà Đại hội XI của Đảng đã xác định.

 Trong nội hàm an sinh xã hội đã bao gồm cả vấn đề lao động-việc làm rồi, nhưng vì lao động-việc làm là trụ cột số một, là vấn đề quan trọng bậc nhất nên khi nói “an sinh xã hội và lao động-việc làm” (các Điều 34 và 35) là muốn nhấn đậm vai trò lớn lao của nó trong đời sống xã hội (tương tự như trong tài chính đã bao gồm cả vấn đề ngân sách; nhưng khi nói “tài chính và ngân sách” là muốn nhấn đậm ngân sách là vấn đề số một, quan trọng bậc nhất trong tài chính).

 Hiến định về an sinh xã hội trong Hiến pháp năm 2013

Điều 34.

Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.  

Trước hết phải nói rằng, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế với việc bảo đảm an sinh xã hội. Quy mô và hiệu quả của nền sản xuất càng cao thì điều kiện vật chất để thực thi hệ thống chính sách an sinh xã hội càng tốt và ngược lại. Nhà nước có vai trò to lớn trong việc quản lý, điều hành, gắn chặt hai hệ thống này với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Đảng ta coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề vật chất để thực hiện các chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực phát triển kinh tế. Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng ngày càng mở rộng và hiệu quả. Phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại bảo hiểm. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công. Mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, nhất là đối với các đối tượng khó khăn (sách đã dẫn, trang 125). Quan điểm, đường lối đó thực ra đã được hiến định ngay trong Hiến pháp năm 1992 và đã được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Trãi qua gần 30 năm thực thi công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã tổng kết và hoàn thiện thành luận điểm rõ ràng, minh bạch và đã được toàn dân nhất trí hiến định trong Hiến pháp 2013 thể hiện ở các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ của công dân và các chính sách xã hội khác.

Nếu Hiến pháp năm 1992 mới chỉ hiến định những chính sách chủ yếu đối với một số đối tượng nhất định, nghĩa là chưa đủ khả năng vật chất kinh tế để “che chắn” cho mọi thành viên trong xã hội, thì Hiến pháp năm 2013, dù nền kinh tế còn những khó khăn nhưng đã gánh vác được “sứ mệnh” đó, nghĩa là quy mô và hiệu quả nền kinh tế đã đủ sức cho phép hiến định an sinh xã hội thành một hệ thống và có khả năng bao phủ cho tất thảy mọi lớp người, mọi công dân trong xã hội.

Hiến định hệ thống an sinh xã hội trong Hiến pháp năm 2013 như một mạng lưới có các tầng, các nấc để bảo đảm cho không có thành viên nào trong xã hội bị lọt khỏi lưới an sinh, bị “văng ra” ngoài lề xã hội. Chúng ta đều biết, chức năng của hệ thống chính sách an sinh xã hội bao gồm chủ động phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro. Để thực hiện có hiệu quả các chức năng đó, các Điều 34, 35 kết hợp với các Điều 37, 38, 57, 58, 59, Hiến pháp đã hiến định “lưới an sinh xã hội” thành 4 tầng nấc rõ rệt, chắc chắn, có hiệu quả.

Tầng một, gồm nhóm các chính sách tạo mọi điều kiện tới mức tối đa để công dân-người có sức lao động hoặc còn một phần khả năng lao động tham gia thị trường lao động, tham gia công việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, để có việc làm, có thu nhập đảm bảo cuộc sống cho mình, cho gia đình và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Đây là nhóm chính sách cơ bản, lớn nhất trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, mang tính động viên của Nhà nước và tính chủ động của công dân. Các chính sách này hoàn toàn bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân trong hoạt động lao động phù hợp với năng lực, trình độ, sở thích, hoàn cảnh của mỗi người và được bảo đảm các điều kiện theo hiến định. Thực hiện có hiệu quả nhóm chính sách này chính là thực hiện chức năng chủ động phòng ngừa rủi ro.


Hiến pháp đã hiến định “lưới an sinh xã hội” thành 4 tầng nấc rõ rệt, trong đó các chính sách tạo mọi điều kiện để người lao động có việc làm 

Tầng hai, gồm nhóm các chính sách bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...). Nhóm chính sách này nhằm bù đắp phần thu nhập bị giảm sút hoặc bị gián đoạn; khắc phục tình trạng suy giảm sức khỏe vì bệnh tật, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đối tượng của nhóm chính sách này khá lớn, bao gồm cả những người đang trong quá trình lao động và cả những người đã bước ra khỏi quá trình lao động (người nghỉ hưu, người quá tuổi lao động, người tạm thời mất việc làm, người đang chuyển đổi công việc); tất cả công dân từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi nhất đều có nhu cầu khám, chữa bệnh, điều trị và được đáp ứng các nhu cầu đó. Thực thi tốt nhóm các chính sách này cũng chính là việc chủ hiện chức năng giảm thiểu rủi ro bất trắc trong an sinh xã hội.

Tầng thứ ba, gồm nhóm các chính sách dành cho các đối tượng có công. Nhóm chính sách này mang tính chất “Đền ơn, đáp nghĩa; nhân hậu thủy chung” đối với những người, những gia đình đã cống hiến tiền của, mồ hôi, công sức, máu xương cho cách mạng, cho các cuộc chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế để đất nước ta rạng ngời như hôm nay. Đây là nhóm chính sách đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta (tuyệt đại bộ phận các nước khác không có chính sách này). Thực thi tốt nhóm chính sách này, chính là Đảng, Nhà nước đã chủ động bù đắp lại một phần lao động quá khứ cho các đối tượng chính sách có công để họ có được cuộc sống từ mức trung bình trở lên tại nơi cư trú.

Tầng thứ tư, gồm nhóm các chính sách bảo trợ xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường cơ hội tiếp nhận các dịch vụ xã hội, trợ giúp đối tượng chính sách vượt qua những rủi ro khó lường, ngoài tầm kiểm soát (do điều kiện tự nhiên klhắc nghiệt, hạn hán, bão lũ, tai họa bất ngờ...). Đối tượng của nhóm chính sách này khá đa dạng, phần lớn là các nhóm yếu thế (người nghèo do điều kiện sản xuất khó khăn, dân cư các vùng thường xuyên có bão lũ, người khuyết tật, ốm đau dài ngày do mắc bệnh hiểm nghèo, người không nơi nương tựa, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ...). Khối lượng công việc của nhóm chinh sách này vừa rất lớn, vừa thường xuyên, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, nhưng đó là nhiệm vụ có tính tất yếu. Thực hiện có hiệu quả nhóm chính sách này chính là thực thi chức năng rất quan trọng của an sinh xã hội - chức năng  trực tiếp khắc phục các loại rủi ro hiện hữu trong an sinh xã hội.

Việc thiết kế bốn tầng nấc tạo thành lưới an sinh xã hội như vậy sẽ bảo đảm bao pbủ tất cả, toàn bộ dân cư sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đúng với hiến định, Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên cũng cần phải nhớ rằng, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, công dân có trách nhiệm tham gia an sinh xã hội. Đó là mối quan hệ hai chiều giữa Nhà nước và công dân, công dân với Nhà nước.

Hiến định về lao động - việc làm

Như đã nói ở trên, đây là trụ cột thứ nhất, trụ cột số một của hệ thống chính sách an sinh xã hội. Nói cách khác là phải nhấn đậm để nhớ rằng vấn đề lao động và việc làm là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục trong dòng chảy lịch sử của xã hội (một xã hội mà ngừng làm việc cũng giống như một thân thể mà trái tim ngừng đập - một xã hội chết, một thân thể chết).

Cội nguồn của việc hiến định lao động-việc làm cũng chính là đường lối Đại hội X và XI của Đảng, đó là: Thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động. Bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, cải thiện môi trường và điều kiện lao động. Đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hóa (sách đã dẫn, trang 125). Từ đó Hiến pháp 2013 hiến định:

Điều 35

1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.

3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

Trước hết phải nói rằng, sự chuyển biến về nhận thức là cực kỳ quan trọng. Trước đây Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm, bước vào công cuộc đổi mới đã dần dần chuyển biến trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để mọi thành phần kinh tế và mọi người lao động đều tham gia tạo việc làm cho mình, cho người khác và cho xã hội.

Hiến pháp năm 1992, Điều 55 quy định, “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Sau chiến tranh, tái thiết đất nước và những năm đầu đổi mới thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường thì lao động vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ là hoàn toàn đúng đắn (không ai có quyền tự cho phép mình đứng ngoài công cuộc tái thiết đất nước, ngồi không trông chờ Nhà nước). Nhưng sau gần 30 năm đổi mới, nước ta từ một nền sản xuất kém phát triển, thu nhập thấp tiến lên một “đẳng cấp mới”, thực thi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập trung bình thì  không ít người có thu nhập khá mà thu nhập đó không phải trực tiếp từ “nghĩa vụ lao động” (thu nhập từ vốn góp, từ tài trợ của nước ngoài, từ kiều hối, từ lãi suất tiền gửi...). Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định bao quát hơn, nhưng cũng chặt chẽ hơn, “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Quy định này cho thấy: Một là, ai có nhu cầu tìm việc làm thì hoàn toàn có quyền thực hiện nhu cầu đó. Ở đây cũng cần mở ngoặc nói thêm: Khi tính lao động và tỷ lệ thất nghiệp có lẽ phải loại trừ những người trong độ tuổi lao động nhưng họ không có nhu cầu việc làm, vì đã có các nguồn thu nhập khác hợp pháp, ổn định đủ sống. Đây cũng là điểm khác so với quy định của Hiến pháp năm 1992. Hai là, quy định này hoàn toàn tương thích, thích ứng với nền kinh tế thị trường. Người lao động tùy thuộc khả năng, năng lực, trình độ, hoàn cảnh mà lựa chọn nghề nghiệp, công việc thích hợp; không ai “phân công”, sắp xếp bắt buộc nhất nhất phải làm việc này, dứt khoát phải làm việc kia như cơ chế kế hoạch hóa chỉ huy (đương nhiên khi đã chấp nhận một công việc, đã là một “mắt xích” trong dây chuyền công tác thì phải chịu sự phân công của người quản lý. Đây là tổ chức lao động ở nơi làm việc thuộc tầm vi mô, chứ không phải kế hoạch hóa từ tầm vĩ mô). Ba là, Quy định này cũng phản ảnh một vấn đề quan trọng về quyền con người. Người lao động hoàn toàn có quyền di chuyển tới nơi có nhiều việc làm và việc làm có giá trị cao, thậm chí ra nước ngoài làm việc, đồng thời có quyền cư trú hợp pháp ở địa phương nơi làm việc. Vấn đề này vừa thích ứng với nền kinh tế thị trường, vừa phù hợp với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Đây cũng là một nét tự do, dân chủ về quyền con người mà “thời bao cấp” không  thể có được vì sự ràng buộc về hộ khẩu, tem phiếu, việc làm quốc doanh, việc làm tập thể... Đặc biệt là trước đây hầu như ai cũng cho rằng, chỉ những ai làm việc trong các cơ quan nhà nước, trong các xí nghiệp quốc doanh mới gọi là có việc làm. Ngày nay thì khác hẳn, việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật ngăn cấm. Và không chỉ Nhà nước mà người sử dụng lao động và xã hội đều có trách nhiệm tạo việc làm để mọi người có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc đều có cơ hội tìm được việc làm (nghĩa là “xã hội hóa” giải quyết việc làm).

Khoản 2 Điều 35 cũng là một khoản được quy định cô đọng, bao gồm một loạt các chính sách quan trọng. Trước hết là điều kiện làm việc công bằng và an toàn, nhất thiết phải được bảo đảm. Trong nguồn lực của đất nước thì lực lượng lao động là nguồn vốn quý báu nhất và to lớn nhất. Đó là nguồn gốc của mọi của cải vật chất và mọi giá trị tinh thần của đất nước. Bởi vậy coi trọng sức khỏe và tính mạng con người nói chung, tính mạng và sức khỏe người lao động nói riêng là một nguyên tắc trong việc bảo toàn, sử dụng và phát huy, phát triển   nguồn lực. Đất nước chúng ta đã bước vào thời kỳ Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa cả chục năm nay và đang phấn đấu trở thành một nền kinh tế công nghiệp trong nay mai, do đó điều kiện lao động, môi trường làm việc là vấn đề lớn. Điều kiện lao động công nghiệp bao gồm: nhiệt độ (nóng, lạnh), độ chiếu sáng, mức độ bụi trong không khí, tiếng ồn ở nơi làm việc, máy móc, thiết bị, độ rung chuyển khi tác nghiệp... Tất cả các điều kiện đó phải được bảo đảm theo quy định chuẩn cho từng chỗ làm việc. Hai là, người lao động làm việc cho người sử dụng lao động phải được hưởng lương theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc và các khoản bổ sung khác theo luật định. Mức lương của tất cả người lao động đều không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ vào chất lượng công việc, kết quả lao động hoặc năng suất lao động cá nhân. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không được phân biệt giới tính của người lao động cùng làm công việc có kết quả như nhau. Ba là, phải tuân thủ Bộ luật lao động về thời giờ làm việc và chế độ nghỉ ngơi. Trong cuốn “Lao động-Người lao động và Môi trường” do Bộ Lao động ấn hành năm 1983 có dẫn kết luận nghiên cứu của nhà sinh lý học Nga Set-sê-nôp rằng, “...Người ta có thể rút ngắn ngày lao động đến mức nào mà không thiệt hại cho sản xuất. Đây là một vấn đề về thực chất có tính sinh lý. Bởi vì cuối cùng nó nhằm giải quyết xem thời gian làm việc và nghỉ ngơi trong một ngày có thể có tỷ số lớn nhất như thế nào để cho sự mệt nhọc vì công việc của ngày đó không ảnh hưởng đến công việc của ngày hôm sau”. Chẳng những trong lao động mà cả trong cuộc sống con người đều cần phải có những thời gian nghỉ ngơi hợp lý để phục hồi thể lực và tâm sức đã hao phí. Nếu coi thường việc nghỉ ngơi sẽ làm giảm khả năng lao động, nhất là khả năng sáng tạo. Nếu vi phạm lâu dài chế độ nghỉ ngơi sẽ dẫn đến tình trạng sức khỏe của người lao động giảm sút, thậm chí đau ốm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và công tác.

Với tính chất quan trọng của thời gian nghỉ ngơi đối với người lao động như vậy nên Hiến pháp hiến định rất rõ rằng, người lao động làm công ăn lương được bảo đảm...chế độ nghỉ ngơi. Chế độ nghỉ ngơi bao gồm, nghỉ ngơi trong giờ làm việc, nghỉ khi chuyển ca, nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm. Thời gian nghỉ ngơi đó nhằm góp phần quan trọng trong việc bảo đảm tái sản xuất sức lao động cá nhân người lao động. Tất cả các chế độ đó phải được cụ thể hóa chi tiết trong pháp luật lao động.

Để bảo đảm cuộc sống an toàn cho các thế hệ lao động, khoản 3 Điều 35 còn quy định các hành vi bị cấm, đó là, “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động”. Hiến pháp quy định rất cô đọng như thế, còn nếu diễn giải ra thì: Cấm phân biệt đối xử trong lao động về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân và gia đình, tín ngưỡng, tôn giáo, người nhiễm HIV, người khuyết tật. Cấm ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động. Cấm lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, tập nghề vào những hoạt động trái pháp luật. Cấm sử dụng lao động chưa qua đào tạo vào những nghề, những công việc bắt buộc phải qua đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề. Cấm dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện hành vi trái pháp luật...

Có thể nói, Hiến pháp năm 2013 và pháp luật lao động  đã tính toán mọi khả năng để bảo vệ tốt nhất cho người lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm và làm việc một cách có lợi, an toàn nhất. Nếu Hiến pháp năm 1992 mới quy định chủ yếu cho lao động khu vực nhà nước và sự nghiệp công thì Hiến pháp năm 2013 đã quy định cho toàn bộ lao động xã hội đang hoạt động lao động.

Hiến định về an sinh xã hội và lao động-việc làm trong Hiến pháp năm 2013 đã có sự hội nhập quốc tế sâu rộng. Trước hết, nội hàm về an sinh xã hội của mỗi quốc gia có thể có những điểm, những chi tiết khác nhau, nhưng điểm giống nhau chung nhất là hệ thống đó đều được thiết kế đa tầng nhằm bảo vệ, trợ giúp các đối tượng khác nhau. Hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta theo Hiến pháp năm 2013 cũng được thiết kế nhiều tầng, nhiều nấc như đã trình bày, chỉ có điều khác là, chúng ta bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả các công dân trong xã hội theo nguyên tắc công bằng, thay vì chỉ bảo đảm cho một số đối tượng nhất định như ở một số nước. Hai là đối với số đông các nước phát triển, hệ thống chính sách an sinh xã hội có sự chia sẻ giữa các chủ thể: nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và một số chủ thể khác thông qua việc lập các quỹ xã hội. Ở nước ta, nội dung này cũng tương tự nhưng được khái quát bằng thuật ngữ “xã hội hóa” các nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội với cơ chế thích hợp và được thực thi bước đầu có hiệu quả. Ba là, trong quá trình nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước,  chúng ta đã nhận ra những hạn chế trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của một số nước. Có những nước theo mô hình nền kinh tế thị trường tự do, họ đã nhấn mạnh một chiều, tin tưởng gần như tuyệt đối rằng, thị trường tự nó sẽ điều tiết tất cả, kể cả công bằng xã hội. Sự tin tưởng thái quá đó đã dẫn tới hậu quả nặng nề chia rẽ trong xã hội, thậm chí rối loạn xã hội. Một số nước lại theo mô hình kinh tế thị trường xã hội, thực hiện nhà nước phúc lợi với hệ thống chính sách an sinh xã hội vô cùng hào phóng. Từ đó làm nẩy sinh tính ỷ lại, thụ động, trì trệ, triệt tiêu mất tính tích cực, chủ động của công dân. Các nước đó hiện đang khẩn trương sửa đổi, chấn chỉnh lại hệ thống chính sách an sinh xã hội, cố gắng tạo ra và kích thích tính năng dộng, tinh thần trách nhiệm của công dân... 

                                                                  TS. Bùi Ngọc Thanh