Xã hội
An Giang: Tập trung hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
02:20 PM 08/11/2017
(LĐXH) Ngày 19/4/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020. Và một trong những hoạt động được tỉnh đặc biệt quan tâm là thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn.
Chương trình 135 đang được thực hiện ở giai đoạn III càng thể hiện rõ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của đất nước. Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống người dân ở các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Trong năm 2016, thực hiện Chương trình 135, với tổng nguồn vốn 16.560 triệu đồng, tỉnh An Giang đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, bao gồm các công trình như giao thông, nâng cấp, sửa chữa, xây mới các khu hành chính cấp xã, trường học… Ngoài ra, địa phương còn triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện sản xuất với kinh phí 1.000 triệu đồng; nâng cao năng lực giảm nghèo giám sát đánh giá và thông tin truyền thông, với kinh phí thực hiện 1.948 triệu đồng. Thông qua các chương trình, dự án đầu tư và phát triển các xã khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đời sống của người dân đã từng bước được nâng lên.
Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đời sống của người dân các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc
Có dịp tới thăm đồng bào Chăm, ở xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), chúng tôi đã thấy được sự thay đổi của  bộ mặt nông thôn cũng như cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc nơi đây. Toàn xã có hơn 4.700 người dân tộc Chăm, sinh hoạt tại 11 tiểu thánh đường và 4 thánh đường. Đây là địa phương có đông đồng bào Chăm so với 9 xã, phường còn lại ở An Giang. Hiện tại, 100% hộ đồng bào Chăm trong xã được sử dụng điện thắp sáng và nước sinh hoạt, xóa nhà tạm bợ và dột nát, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%. Đạt được kết quả như vậy, là cả quá trình tập huấn, dạy nghề và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đồng thời còn hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho bà con làm ăn.
Trong giai đoạn tới, tỉnh An Giang sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, dân tộc..., với tổng kinh phí bình quân 16 tỷ đồng/năm (tổng nguồn vốn  80 tỷ đồng trong 5 từ 2016-2020); Hỗ trợ lao động nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường như thị trường vốn, lao động, đất đai khoa học kỹ thuật- công nghệ và thị trường hàng hóa đầu vào, đầu ra... nhằm phát triển sản xuất và dịch vụ để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Cụ thể, tỉnh sẽ thực hiện các hoạt động như: Hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động nghèo, cận nghèo; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo, cận nghèo tiếp cận và tham gia; Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm sau thu hoạch cho các hộ nghèo, cận nghèo là dân tộc thiểu số; Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả (mô hình giảm nghèo ở các vùng đặc thù, mô hình liên kết, mô hình giảm nghèo gắn với an ninh – quốc phòng, mô hình đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm cho lao động nghèo, cận nghèo).
Về nguồn vốn và mức hỗ trợ, đối với các địa phương lồng ghép thông qua thực hiện các chương trình: Xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến nông, lâm ngư, chính sách cho vay tín dụng ưu đãi hộ nghèo.... Mức hỗ trợ thực hiện theo các quy định hiện hành. Ngân sách bố trí bình quân 04 tỷ đồng/năm, tính trong 5 năm, tổng nguồn vốn là 20 tỷ đồng.
Hồng Phượng