Xã hội
An Giang: Nỗ lực thực hiện Luật Người khuyết tật
12:15 PM 22/11/2021
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và xã hội, giai đoạn 2011-2020, tỉnh luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật đến cơ quan chuyên môn, các cấp, ngành, các Hội đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn và tầng lớp nhân dân, góp phần ổn định đời sống và phát huy vai trò của người khuyết tật trong xã hội.
Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Người khuyết tật trên phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh, báo chí của địa phương) và chính sách trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận và sự chuyển biến mới trong nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội. 
Thăm, tặng quà người khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Trong 10 năm qua, người khuyết tật đã được chính quyền các cấp ghi nhận và chú trọng hơn về vấn đề chăm sóc sức khỏe, đảm bảo được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp, được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được; được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; được bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú. Đặc biệt, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh An Giang đã hỗ trợ cho 150 lượt người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và đối tượng BTXH đi điều trị duy trì phục hồi chức năng tại các bệnh viện tâm thần trong khu vực (Bệnh viện tâm thần Đồng Tháp, Bệnh viện tâm thần Tiền Giang) kinh phí trên 1.500 triệu đồng; thường xuyên phối hợp với Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh tổ chức khám lọc, trợ giúp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng miễn phí cho hơn 500 lượt người khuyết tật vận động thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn; bố trí ngân sách hỗ trợ gần 500 chiếc xe lăn và phối hợp với Tổ chức Trả lại tuổi thơ, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh trao tặng khoảng 500 chiếc xe lăn, 20 xe lắc cho người khuyết tật có nhu cầu xe lăn, xe lắc để thuận lợi sinh hoạt hàng ngày, phục vụ mưu sinh (bán vé số) lo cuộc sống gia đình và bản thân, giảm bớt phần khó khăn trong cuộc sống.
Về chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật tham gia giáo dục, tỉnh đã tạo điều kiện cho hầu hết các trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học, có khả năng tới trường, hệ thống các trường, lớp, trường dân tộc nội trú, lớp học linh hoạt ngày càng được hình thành với nhiều hình thức phong phú. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 Trường trẻ em khuyết tật chuyên biệt để chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật, giai đoạn từ năm 2012 - 2020 trường đã tiếp nhận và chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và hướng nghiệp cho 1.788 lượt trẻ em khuyết tật trong tỉnh, đã hỗ trợ cho khoảng 6.800 lượt trẻ em khuyết tật thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ người DTTS thuộc hộ nghèo, kinh phí trên 800 triệu đồng.
Về thực hiện bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật, tỉnh đã trợ cấp xã hội hàng tháng cho 247.466 lượt người khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng , kinh phí trên 1.300 tỷ đồng (kể cả mai táng phí); hỗ trợ kinh phí cho hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng trên 48.379 lượt người/hộ gia đình, kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng; tiếp nhận và nuôi dưỡng trên 1.000 lượt người khuyết tật (ở các dạng tật như vận động, thần kinh, trí tuệ...) và được nuôi dưỡng, chăm sóc, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày; trẻ em trong độ tuổi đi học (có khả năng học) được cấp sách, vở, đồ dùng học tập...; hỗ trợ mai táng phí khi người khuyết tật chết được thực hiện kịp thời và đầy đủ theo đúng quy định của nhà nước.
Cùng với đó, do sự bùng phát của dịch bệnh Covid -19, các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng sẽ được hỗ trợ một lần với mức tối đa 1.500.000/đối tượng (hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng không quá 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6); vào dịp tết Nguyên đán người khuyết tật được tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí trợ cấp tết; đã vận động và hỗ trợ gồm tiền mặt, hàng hóa, thuốc men cho 88.623 lượt đối tượng khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo và người nghèo, với số tiền gần 15 tỷ đồng7 ; hỗ trợ quà cho 2.345 lượt người với số tiền trên 01 tỷ đồng (riêng Hội Người mù trong năm 2020 đã vận động cất mới được 09 căn nhà, số tiền 440 triệu đồng; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho trên 300 lượt người mù trong đợt dịch Covid-19, số tiền trên 60 triệu đồng; 500kg gạo cho người mù có hoàn cảnh nghèo).
Trong những năm qua, tỉnh không ngừng quan tâm, chỉ đạo về thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, công tác phối hợp, triển khai các hoạt động, chương trình hỗ trợ người khuyết tật, của các cơ quan, ban, ngành liên quan và các Hội đoàn thể được chú trọng; thường xuyên nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình dạy nghề linh hoạt, đa dạng cả về thời gian, địa điểm, chương trình, cách thức tiến hành phù hợp với khả năng, điều kiện của người khuyết tật đáp ứng được một phần nhu cầu, nguyện vọng của người khuyết tật. Kết quả, đã tổ chức dạy nghề cho 245 lao động là người khuyết tật với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 170 triệu đồng, trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp là 40 lao động, phi nông nghiệp là 205 lao động; hỗ trợ 48 lao động là người khuyết tật (người khiếm thị) thu nhập bình quân 3.000.000 đồng/người/tháng tại các cơ sở xoa bóp, xông hơi do Hội người mù quản lý.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh An Giang có 61 công trình văn hóa phục vụ nhu cầu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người dân địa phương, trong đó có 28 công trình văn hóa đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật, đạt tỷ lệ 46%; đã xây dựng kế hoạch, chương trình và tập hợp lực lượng người khuyết tật trong tỉnh tham dự Hội thi "Tiếng hát Người khuyết tật" lần thứ I năm 2014 và lần II năm 2019 do Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức. Kết quả tại Hội thi năm 2019, Đoàn An Giang đạt 01 HCV – 01 HCB; tổ chức biểu diễn 06 chương trình văn nghệ nhân dịp mừng Đảng – mừng Xuân hàng năm tại Trung tâm bảo trợ xã hội và người neo đơn thành phố Long Xuyên, phục vụ khoảng 1.200 lượt người xem. 
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng quan tâm công tác thu thập, cập nhật thông tin, quản lý thông tin về người khuyết tật để hỗ trợ kịp thời theo đúng quy định Nhà nước; tình hình đảm bảo hỗ trợ người khuyết tật tham gia vận tải hành khách công cộng; xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bưu chính, chuyển phát, viễn thông, internet, truyền hình trả tiền và kiểm tra, rà soát trên các trang mạng xã hội có nội dung xâm phạm nhân phẩm, danh dự, hạn chế quyền lợi của người khuyết tật cũng như lợi dụng, sử dụng hoạt động xuất bản, in, phát hành những nội dung kỳ thị người khuyết tật./.

Minh Anh