Lao động
An Giang: nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 56,6%
09:16 AM 17/02/2018
(LĐXH)- Những năm qua, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế của tỉnh, An Giang đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động các nguồn lực tập trung phát triển công tác đào tạo nghề (nay là giáo dục nghề nghiệp) gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo báo cáo từ Sử Lao động - TBXH, trong năm 2017, tỉnh An Giang đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, trong đó tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 25.150 người, đạt tỷ lệ 101% kế hoạch (đào tạo nghề lao động nông thôn cho 12.190 học viên). Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp 16.500 chứng chỉ nghề cho học viên tốt nghiệp, số học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm 13.320 người (đạt tỷ lệ 72%). Qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp từ 38,8% năm 2016 lên 42,5% năm 2017, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 53,3% lên 56,6% năm 2017, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.
Để đạt được kết quả trên, An Giang đã tổ chức thực hiện các chương trình, dự án dạy nghề, giải quyết việc làm được lồng ghép với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác giáo dục nghề nghiệp đã được phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh; người dân cũng đã nâng cao nhận thức về việc làm, về thu nhập nên đa số đã tự tạo việc làm hoặc đi tìm việc làm trong hay ngoài tỉnh, không còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Không chỉ vậy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo ra "chất xúc tác" giúp nhiều lao động là đối tượng đặc thù, yếu thế vượt qua khó khăn để có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tiếp đó, tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, cụ thể như: tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên; miễn giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề ngắn hạn cho các đối tượng đặc thù. Triển khai danh mục đào tạo nghề, mức chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện; chính sách miễn giảm học phí học học sinh, sinh viên; đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, An Giang còn tiếp tục phát huy tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác đào tạo nghề, tỉnh có quyết định điều chuyển thiết bị đào tạo nghề đã được đầu tư nhưng khai thác sử dụng chưa hiệu quả. Tăng cường các giải pháp cải thiện chỉ số thành phần về đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, định hướng đến năm 2020; triển khai thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề nghiệp theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động; gắn đào tạo nghề lao động nông thôn vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Dạy nghề cho phụ nữ ở nông thôn An Giang
Bên cạnh đó, An Giang cũng đã thực hiện khá hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, chú trọng đào tạo gắn với giải quyết việc làm dưới nhiều hình thức như: đào tạo nghề chính quy tại cơ sở dạy nghề; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề; đào tạo nghề gắn với các làng nghề; đào tạo nghề lưu động tại các xã, phường, thị trấn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có nhu cầu được học nghề… Phương châm là lao động học nghề xong có thể tự tạo việc làm tại địa phương hoặc được tư vấn, giới thiệu, tìm việc làm ở các doanh nghiệp trong hoặc ngoài tỉnh. Kết quả trong năm qua, An Giang đã tổ chức đào tạo cho 12.190 học viên, đạt 101% kế hoạch với tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề gần 8,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai hiệu quả việc hỗ trợ đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, tập trung đào tạo cho người lao động tự tạo việc làm tại chỗ hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất, tăng thu nhập; gắn với một số mô hình đào tạo với phát triển nông thôn mới ở các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới như: kỹ thuật trồng và thiết kế vườn (trồng xoài); kỹ thuật trồng và bảo quản nấm (nấm linh chi, nấm rơm); kỹ thuật sản xuất và nuôi lươn (Nuôi lươn trong bể). Hỗ trợ đào tạo lĩnh vực phi nông nghiệp, tập trung đào tạo theo yêu cầu của một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH May mặc LUAN, Công ty TNHH An Giang - Samho, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai, Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Hòa Phát, Công ty TNHH NV APPAREL và Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Hoàn... với các mô hình hiệu quả như: may công nghiệp, chế biến thuỷ sản đông lạnh...
Theo Kế hoạch đào tạo nghề nghiệp năm 2018, tỉnh An Giang đặt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho 25.000 người (trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 12.000 người), tổ chức thi tốt nghiệp và cấp 17.000 văn bằng, chứng chỉ cho học sinh, sinh viên. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp lên trên 45%, tỷ lệ qua đào tạo khoảng 60% so với tổng số lao động đang làm việc; trong đó, lao động nữ học nghề chiếm tỷ lệ khoảng 43% so với tổng số tuyển sinh học nghề.
Để đạt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động, ngay từ đầu năm 2018, An Giang đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, của cán bộ, công chức và người lao động về vai trò của đào tạo nghề nghiệp đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân sự, cơ sở vật chất của các trường sau khi sắp xếp, sáp nhập. Tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động, ưu tiên dành kinh phí từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để ký kết hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; triển khai tốt Kế hoạch Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường; khuyến khích các nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Chí Tâm