Lao động
An Giang giảm hơn 5.400 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp
10:00 AM 18/05/2023
(LĐXH)- Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang là 3.370 trường hợp, giảm 5.429 trường hợp (khoảng 38%) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, số lao động ngoài tỉnh chuyển về là 2.080 trường hợp, chiếm trên 60% số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – TBXH An Giang, trong 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, việc làm là 36 doanh nghiệp. Trong đó, có 31 doanh nghiệp dân doanh, 05 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; ngành dệt may và da giày 11 doanh nghiệp, ngành chế biến thủy sản có 08 doanh nghiệp, các ngành nghề khác (du lịch, dịch vụ, chế biến nông sản) là17 doanh nghiệp.
Tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
Tổng số lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng tới việc làm là 8.739 lao động, giảm 9.457 lao động so với quý IV/2022, bao gồm: nghiệp dân doanh 7.154 lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.585 lao động. Chia theo ngành, nghề: ngành dệt nay, da giày 5.779 lao động; ngành chế biến thủy sản 1.722 lao động; các ngành nghề khác (du lịch, dịch vụ, chế biến nông sản) 1.238 lao động. Theo mức độ ảnh hưởng cắt giảm việc làm: thôi việc, mất việc làm 2.654 lao động; tạm hoãn hợp đồng lao động 1.484 lao động; giảm giờ làm 4.601 lao động.
Theo đánh giá từ Sở Lao động – TBXH An Giang, trong 4 tháng đầu năm 2023, dù tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên sức tiêu thụ các sản phẩm bị sụt giảm rất nhiều, dẫn đến các đơn hàng không thể duy trì, phải cắt giảm lao động để duy trì các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; do nhiên liệu, nguyên liệu biến động trong thời gian dài, kéo theo chi phí tăng cao so với thông thường, thậm chí một số nguyên liệu đầu vào để sản xuất không thể mua được làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh. Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra. Do đó, một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh có biến động nhưng tương đối ít, không nhiều. Số lao động bị ảnh hưởng về việc làm tại các doanh nghiệp trong tỉnh tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp ngành sản xuất dệt may, da giày, chế biến thủy sản.
Đặc biệt, để duy trì công việc cho toàn bộ công nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đã cố gắng không cắt giảm, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà giảm giờ làm thêm để làm những đơn hàng cũ và một số đơn hàng mới nhỏ lẻ để duy trì lao động tạm thời; sắp xếp để người lao động nghỉ phép năm hoặc phải thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động...; tích cực chủ động tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới, đơn hàng mới; phổ biến tình hình thực tế và động viên tinh thần công nhân lao động...
Đối với trường hợp buộc phải thu hẹp hoạt động, bố trí lại lao động, doanh nghiệp thực hiện trao đổi với Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức các buổi đối thoại với đại diện người lao động để thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp, xây dựng phương án sử dụng lao động và thông báo công khai cho người lao động biết.
Trường hợp phải thực hiện giảm lao động, doanh nghiệp cố gắng có chính sách hỗ trợ cho người lao động (ngoài quy định của Bộ luật Lao động), các doanh nghiệp có văn bản giới thiệu lao động đến các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực để hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới...
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh An Giang có 3.370 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vưc lao động, việc làm Sở Lao động – TBXH An Giang đã tăng cường kết nối thông tin về việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp các địa phương tổ chức các điểm, cụm, các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố và các khu công nghiệp. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã tổ chức 10 điểm, cụm tư vấn người lao động và 03 phiên giao dịch việc làm với 105 doanh nghiệp và 4.130 lao động tham dự; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 8.177 trường hợp và đưa 107 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Nhật Bản 72 người, Đài Loan 21 lao động...).
Tiếp đến, để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Sở Lao động – TBXH An Giang đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn cho người lao động về nghĩa vụ và quyền lợi của đối tượng tham gia BHTN; chuyển tải những kiến thức cơ bản về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của các đơn vị và người lao động khi tham gia BHTN, từ đó giúp người lao động và chủ sử dụng lao động có nhận thức đúng đắn về chính sách BHTN.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật nội dung chính sách BHTN, công khai các thủ tục hành chính về BHTN tại đơn vị, các Văn phòng đại diện, trên Website, App - Online của Trung tâm, qua đó tạo thuận lợi cho người dân truy cập, tham khảo khi có nhu cầu...
Kết quả trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang là 3.370 trường hợp, giảm 5.429 trường hợp (khoảng 38%) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, số lao động ngoài tỉnh chuyển về là 2.080 trường hợp, chiếm trên 60% số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chí Tâm