Lao động
An Giang: Điểm sáng trong công tác lao động, người có công và xã hội
02:48 PM 18/02/2021
(LĐXH) - Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ LĐ–TB&XH, cùng sự phối hợp của các sở, ngành, chính quyền các địa phương trên địa bàn, năm 2020 Sở LĐ–TB&XH tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn. Qua đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra đến cuối năm đều đạt và vượt mức, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đồng chí Châu Văn Ly - Giám đốc Sở LĐ - TBXH tỉnh An Giang

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Ngay từ đầu năm 2020, Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách, đề án nhằm triển khai, thực hiện quả công tác của ngành. Cụ thể, trong công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Sở đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề trên địa bàn; Tổ chức hội nghị tổng kết đề án sắp xếp các cơ sở GDNN đến năm 2020, định hướng sắp xếp giai đoạn 2021 – 2025; Tổng kết 10 năm Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thành lập Trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn - Phân hiệu An Giang; cấp phép hoạt động GDNN cho Công ty TNHH giải pháp khoa học và công nghệ Nam Việt - chi nhánh An Giang. Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Gian đã có 33 cơ sở GDNN, trong đó có 2 trường cao đẳng và 5 trường trung cấp. Năm 2020 các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh An Giang đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 30.353 người (trong đó, trình độ cao đẳng là 1.035 sinh viên; trung cấp 2.328 học sinh. Thống kê, số người học nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh An Giang sau khi tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm đúng ngành nghề đạt tỷ lệ 75%. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn lên 65%, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Về công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong năm 2020 được Sở LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ phát triển thị trường lao động được Sở LĐ-TB&XH tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong năm, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kết nối các doanh nghiệp với cơ sở GDNN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Trong năm 2020, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng trên địa bàn vẫn tổ chức với 05 phiên giao dịch việc làm tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Tại các giàn giao dịch việc làm này đã thu hút 55 doanh nghiệp tham dự tuyển dụng và 2.757 lao động tham gia tìm việc. Song song với việc kết nối, tạo việc làm cho người lao động trong nước, Sở LĐ-TB&XH tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp đưa lao động có trình độ đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Trong năm 2020, toàn tỉnh An Giang đã đưa được 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn.

Về việc thực hiện chính sách đối với người có công được Ngành LĐ – TB&XH tỉnh An Giang luôn quan tâm đẩy mạnh. Riêng trong năm 2020, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phân bổ trên 6,12 tỷ đồng kinh phí phục vụ công tác điều dưỡng và trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công trên địa bàn. Xây dựng Kế hoạch tổ chức đưa gần 900 người có công đi điều dưỡng tập trung (12 đợt) tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công miền Trung, Lâm Đồng, thành phố Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc, Đắk Lắk và Thủ đô Hà Nội.

Người lao động tỉnh An Giang trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản do Công ty Hiteco phái cử

Trong năm Sở LĐ-TB&XH tỉnh còn phối hợp Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ, điều chỉnh, bổ sung danh sách người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở với 546 hộ được thụ hưởng, trong đó xây mới 304 hộ, sửa chữa 242 hộ. Ngoài ra, Sở còn tổ chức các hoạt động thăm, viếng, trợ cấp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020). Trong năm cũng đã ban hành Quyết định trợ cấp ưu đãi đối với 146 người có công và thân nhân, đối tượng thuộc nhóm Cựu Chiến binh,…

Bên cạnh hoạt động trên, trong năm 2020 Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang còn triển khai và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dự án chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về tín dụng, giáo dục, y tế... cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Quan tâm tuyên truyền, hỗ trợ nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo có hiệu quả trên địa bàn và hỗ trợ xây dựng 274 căn nhà ở cho hộ nghèo với kinh phí trên 12,283 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Sở đã phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ cho 146.008 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng, với tổng kinh phí thực hiện 69,895 tỷ đồng.

Bên cạnh các hoạt động trên, ngành LĐ-TB&XH tỉnh An Giang còn hỗ trợ cấp cho trên 93.339 trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật… ngoài cộng đồng với kinh phí trên 498 tỷ đồng. Ngoài ra, tổ chức cứu trợ kịp thời cho trên 1.705  hộ gia đình bị thiệt hại rủi ro do hỏa hoạn, mưa giông, sạt lở..., kinh phí trên 24 tỷ đồng. Đặc biệt, Sở đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện chi trả cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, giúp các nhóm đối tượng giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành 100% chi hỗ trợ cho 228.295 đối tượng với tổng kinh phí chi trả trên 230.466 triệu đồng. Trong thời gian này, Sở LĐ-TB&XH cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 49.958 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do đại dịch Covid-19 với kinh phí hỗ trợ 49.958 triệu đồng; phê duyệt danh sách đối với 213 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với kinh phí hỗ trợ 213 triệu đồng; phê duyệt danh sách đối với 875 hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh do đại dịch Covid-19 với kinh phí hỗ trợ 875 triệu đồng.

Qua nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội của tỉnh An Giang tiếp tục có chuyển biến tích cực; An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,63% đầu năm 2019 xuống còn dưới 2% cuối năm 2020, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Quan tâm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em

Năm qua Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang đã tham mưu và triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em; kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; dự án “Quản trị Quyền trẻ em-Thanh thiếu niên (LGBT) tại Việt Nam tiếp cận, y tế và các dịch vụ xã hội” tại tỉnh An Giang”; Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam” (Dự án ENHANCE)…

Sở LĐ-TB&XH tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em; tập huấn, tuyên truyền Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, kỹ năng, kiến thức về công tác bảo vệ trẻ em; thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu năm 2020 cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngoài cộng đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động trực tiếp và gián tiếp với số tiền 4,19 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho 2.469 lượt trẻ em thông qua các hoạt động như: mổ tim, phẫu thuật sứt môi- hở hàm ếch, thăm tặng quà, cấp học bổng. Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn, vận hành hiệu quả hoạt động Tổng đài Trung tâm kết nối đường dây nóng phòng chống mua bán người 18008077 và Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đồng thời, duy trì các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng; triển khai thí điểm mô hình Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em. Đến nay toàn tỉnh đã có 11/11 huyện, thị thành và 61/156 xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; 76 Câu lạc bộ trẻ em; 10 điểm tư vấn tại trường học; 110 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Trong năm 2020, công tác quản lý, tổ chức cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện trên địa bàn tiếp tục đạt kết quả tích cực. Số đối tượng tiếp nhận vào Cơ sở Điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh tăng và duy trì mức cao nhưng tình hình an ninh, trật tự được đảm bảo. Việc phối hợp hỗ trợ, trao đổi thông tin với các địa phương, đơn vị thường xuyên đã góp phần chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót và giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, năm 2021 ngành LĐ-TB&XH tỉnh An Giang tiếp tục chủ động khắc phục những khó khăn hạn chế trong công tác lao động - người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, việc làm cho người lao động. Nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm. Xây dựng, củng cố quan hệ lao động hài hòa tiến bộ trong doanh nghiệp. Thực hiện tốt chính sách người có công cách mạng, bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy./.

Châu Văn Ly

Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh An Giang