Lao động
An Giang: Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
05:12 PM 26/02/2022
Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp là một trong những chính sách nhân văn, nhằm hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động một phần chi phí khi có tai nạn xảy ra. Để chính sách này ngày càng được triển khai sâu rộng, các sở, ban, ngành cùng đơn vị liên quan ở An Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, giúp người sử dụng lao động, NLĐ nâng cao nhận thức, thực hiện tốt hơn công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố và các ngành liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho trường hợp cụ thể, bảo đảm nhanh chóng, chính xác.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp được các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh triển sâu rộng
Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 3647/BHXH-CSXH về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động; Công văn 4644/BHXH-CSXH về việc hướng dẫn thanh toán phí giám định y khoa; Công văn 265/BHXH-CSXH về quy trình chi trả kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai toàn bộ nội dung chỉ đạo đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện trên địa bàn. Đơn vị còn tổ chức nhiều đợt báo cáo chuyên đề, tuyên truyền qua tờ bướm, thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng đến toàn bộ đơn vị sử dụng lao động.
Từ năm 2015 đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 31 cuộc tuyên truyền cho hơn 9.200 lượt NLĐ. Ngoài ra, đơn vị phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội tỉnh. Nội dung tập trung về quyền lợi và mức hưởng của chế độ; trách nhiệm tham gia các loại bảo hiểm của người sử dụng lao động và NLĐ.
Hàng năm, UBND tỉnh còn xây dựng, triển khai kế hoạch Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Qua đó, phổ biến sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Luật An toàn, vệ sinh lao động và văn bản hướng dẫn thi hành đến DN và NLĐ, trong đó có chính sách về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Nhờ vậy, góp phần thúc đẩy DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế TNLĐ, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung tuyên truyền quy định về Luật An toàn, vệ sinh lao động nói chung, chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nói riêng... Ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp tại DN...
Việc triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của NLĐ trên địa bàn tỉnh. DN đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, đổi mới kỹ thuật, chiến lược kinh doanh, thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; thường xuyên kiểm tra nhà xưởng, máy thiết bị để kịp thời phát hiện và khắc phục tồn tại; áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với vị trí làm việc, hạng mục có nguy cơ mất an toàn, mắc bệnh nghề nghiệp... Tuy nhiên, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số hạn chế, như: Có chủ DN chưa quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động; nhận thức của NLĐ về công tác lao động chưa cao…
Do đó, với trách nhiệm của ngành, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó có việc tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đến từng đơn vị, DN, NLĐ. Hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho trường hợp cụ thể, bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Kiểm tra, đôn đốc DN thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị.../.
Đức Toàn