Pháp luật
6 tháng đầu năm 2018, ngành Tư pháp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận
09:09 AM 23/07/2018
(LĐXH) - Trên cơ sở bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
 Bộ Tư pháp đã xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc đôn đốc các Bộ, cơ quan xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, qua đó số văn bản nợ đọng còn 11 văn bản, giảm 4 văn bản so với cùng kỳ 2017, trong đó Bộ Tư pháp không để nợ  văn bản nào. Bên cạnh đó, chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra VBQPPL từng bước được nâng cao. Bộ Tư pháp đã thẩm định 141 dự thảo văn bản QPPL, 19 điều ước quốc tế; kiểm tra theo thẩm quyền 1.571 văn bản; qua kiểm tra đã phát hiện, ra Kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Các dịch vụ công trong lĩnh vực Tư pháp ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu giải quyết của người dân
Trong công tác THADS, thi hành án hành chính, nhất là trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, toàn ngành Tư pháp đã thi hành xong 389.293 việc; về tiền, đã thi hành xong hơn 19.878 tỷ đồng; theo dõi, đôn đốc thi hành xong 145 bản án, quyết định hành chính.
Song song với đó, Ngành đã tập trung nâng cao chất lượng và giải quyết số lượng lớn nhu cầu người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính tư pháp. Kết quả, đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 1.009.726 trường hợp; khai tử cho 299.974 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 403.576 cặp, trong đó có 10.336 trường hợp có yếu tố nước ngoài; giải quyết 2.487 hồ sơ quốc tịch; giải quyết 1.320 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, 220 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Các Sở Tư pháp cấp 263.122 phiếu LLTP; Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cấp 1.668 phiếu, 100% số Phiếu được cấp đúng hoặc sớm hơn thời hạn theo quy định. Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết 444.966 đơn yêu cầu đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt 66,2%.
 Các dịch vụ công trong lĩnh vực Tư pháp được kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng, kịp thời chấn chỉnh các sai sót; các quy trình, thủ tục cấp phép được chuẩn hóa. Trong 6 tháng đầu năm, các luật sư đã tham gia 109.766 việc; các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 3.268.269 hợp đồng, giao dịch; các tổ chức bán đấu giá ở các địa phương đã tổ chức đấu giá thành 12.007 cuộc. Các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện 20.071 vụ việc, trong đó có 4.394 vụ việc tham gia tố tụng. Bộ Tư pháp đã cấp 445 Chứng chỉ hành nghề luật sư; bổ nhiệm công chứng viên đối với 72 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá 62 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên đối với 57 trường hợp; bổ nhiệm thừa phát lại đối với 45 trường hợp.
Phát biểu tại buổi họp báo sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng chí Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng – Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác tư pháp được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Công tác tư pháp đã đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của đất nước về phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội. Có được những kết quả nêu trên, trước hết là Bộ Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, cùng sự phối hợp chặt chẽ của Bộ, ban, ngành và sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
 Trong 6 tháng cuối năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trong đó, lưu ý đối với dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật ban hành VBQPPL do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; Triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành, có hiệu lực, trong đó có Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; tổ chức thực hiện tốt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022 và Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng, ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp  thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế, nhất là ở các địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả bảo đảm đúng tinh thần theo đúng các Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và yêu cầu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; Tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; giải quyết dứt điểm các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài còn tồn đọng; khắc phục tình trạng tồn đọng thông tin chưa xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; thực hiện hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong lĩnh vực con nuôi; Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp để quản lý tốt và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trong điều kiện không tiếp tục quy định về quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng; nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
 Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự; từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp kéo dài đã thống nhất về chủ trương. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật tố tụng hành chính; xây dựng trình Chính phủ ban hành Đề án giải quyết việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: tư Pháp pháp Luật