Giáo dục - Nghề nghiệp
3 Dự án khởi nghiệp của sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành xuất sắc đạt giải Nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ GD&ĐT tổ chức
05:17 PM 28/03/2023
(LĐXH) - Trong 2 ngày 25-26/3, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 5 (SV- STARTUP 2023). Chương trình do Đại học Huế đăng cai tổ chức.

3 dự án khởi nghiệp của sinh viên NTTU xuất sắc đạt giải Nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ GD&ĐT tổ chức

Chương trình có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Bí thư Trung ương đoàn Nguyễn Minh Triết; lãnh đạo một số Bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện các trường đại học, trường phổ thông, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo và hàng nghìn học sinh, sinh viên.

Tại chương trình đã có nhiều hoạt động được diễn ra, trong đó sự kiện gây nhiều chú ý là vòng chung kết Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Đây là cuộc thi khởi nghiệp cấp Quốc gia dành cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức, đơn vị thực hiện là Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (Novaedu), UNIC và Đại học Huế. Cuộc thi nhằm mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tại cuộc thi lần này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 3 dự án tham gia gồm:

 Dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio” của sinh viên Biện Công Đoàn, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Minh Duy tham gia lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao giải nhì cho dự án “Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn” thuộc lĩnh vực Kinh doanh tạo tác động xã hội

Dự án “Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn” của nhóm sinh viên Trần Vũ Hoài An, Phan Văn Hoài Luân, Huỳnh Quí Nguyệt, Trương Ái Vy tham gia lĩnh vực Kinh doanh tạo tác động xã hội. Đây là hai dự án do 2 ThS. Huỳnh Văn Hiếu – Giảng viên ngành Công nghệ Sinh học hướng dẫn.

Dự án “Ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ ” của sinh viên Trịnh Công Qui, Phạm Quỳnh Thương tham gia lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp do ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương – Giảng viên khoa Dược hướng dẫn.

3 dự án đang được ươm tạo tại Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, do ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp và các Mentor là các vị chuyên gia: Bà Bùi Thị Thủy Tiên – Founder, CEO Vườn ươm khởi nghiệp Việt và TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Kinh tế số hỗ trợ ươm tạo.

ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương khoa Dược Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng đội – ứng dụng vỏ cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ nhận giải nhì  Lĩnh vực: y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp

Các dự án này đã vượt qua các vòng thi để bước vào chặng 1 Vòng chung kết của cuộc thi, tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu các dự án khởi nghiệp. Sau phần thi gian hàng trưng bày, cả 3 dự án của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã được ghi tên tại TOP30 dự án vào chặng 2 vòng chung kết, bước vào phần thi thuyết trình dự án trước Ban giám khảo. Trải qua phần thi thuyết trình căng thẳng trên sân khấu, 3 dự án đã xuất sắc đạt giải nhì tại lĩnh vực tham gia thi. Đây là kết quả đáng khích lệ dành cho các bạn sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cho mỗi sinh viên đang theo học tại trường.

Được biết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng sáng tạo được phát động từ tháng 11/2022, và đã nhận 508 thuộc các lĩnh vực; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm, Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính, y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tác động xã hội.

Dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio” của sinh viên Biện Công Đoàn, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Minh Duy tham gia lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần V tổ chức tại Đại học Huế, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE) do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, PGS.TS. Bạch Long Giang – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận Quyết định kết nạp thành viên mạng lưới Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trường Đại học, Cao đẳng.  

Được biết, Dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio”: Đưa ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn là một ý tưởng sử dụng ruồi lính đen làm nhà máy chế biến lượng phế phụ phẩm nông nghiệp dư thừa. Nhận thấy được tiềm năng ứng dụng ruồi lính đen, nhóm FLY BIO mong muốn xây dựng nhà máy chế biến lượng phế phụ phẩm nông nghiệp dư thừa, xử lý nhanh rác thải hữu cơ, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính do khí metan, CO2 gây ra. Lượng phân hữu cơ này dùng để trả lại phù sa cho đất trong kế hoạch sản xuất tuần hoàn nông nghiệp giảm thấp nhất tình trạng sa mạc hóa. Nhóm đã tạo ra quy trình nuôi ấu trùng ruồi lính đen khác biệt so với các phương pháp nuôi thông thường trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển của ấu trùng đồng thời tạo ra ấu trùng sạch, giảm mùi hôi và tạo lượng phân cho cây trồng hấp thụ dễ dàng nhất.

Dự án “Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn” được triển khai với mục đích ưu tiên sức khỏe là trên hết. Với xu hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững hiện nay, nhóm đã tận dụng những nguồn lực sẵn có cùng với chuyên môn, nhóm đã cùng nhau nghiên cứu phát triển sản phẩm theo hướng vi sinh hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường sản xuất sản phẩm hữu cơ. Dự án gồm 5 sản phẩm: Sản phẩm SOFa Bio-decomposer; Sản phẩm Humic plus; Sản phẩm SOFa Vaccino; Sản phẩm Vanre; Sản phẩm Nutri super. Nhóm mong muốn đưa bộ 5 sản phẩm ứng dụng vào nông nghiệp sản xuất hiện nay góp phần vào nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, sản xuất và xuất khẩu trái cây, nông sản,… đạt các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn Việt Nam, VietGAP, Global GAP,.. Nhóm đã đưa bộ phận kỹ thuật đến các vườn trồng nông nghiệp trực tiếp gặp nông dân để tư vấn chăm sóc và triển khai ứng dụng sản phẩm sinh học vào trồng trọt để sản phẩm đạt chất lượng sạch.

Dự án “Ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ”: Ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước và thải ra ngoài môi trường để tạo nên các sản phẩm xanh để bảo vệ môi trường và mang đến các sản phẩm làm đẹp chăm sóc sức khoẻ cho khách hàng thích sản phẩm xanh, nhận thấy được tiềm năng vỏ trái cam được tái sử dụng lớn, nhóm Q GREEN mong muốn được hỗ trợ về vốn và địa điểm để sản xuất lớn hơn để xử lý lượng vỏ lớn để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các sản phẩm tạo nên nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn lấy của cam trả về cho cam, lấy của đất trả về cho đất.

Hoàng Nga