Giáo dục - Nghề nghiệp
29 điểm trượt đại học là phi lý, phải thay đổi cách tuyển sinh
11:42 AM 15/08/2017
Điểm chuẩn nhiều trường Y, công an quá cao trong khi các trường sư phạm lại lẹt đẹt là vấn đề bức xúc mà hiệu trưởng nhiều trường đại học đề cập.
PGS Thái Bá Cần: “Tôi không tin những em điểm cao sẽ trở thành bác sĩ, thầy giáo giỏi”
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, các trường cần đặt ra mục tiêu làm sao đào tạo được đội ngũ sinh viên đáp ứng được yêu cầu hội nhập, đáp ứng thị trường lao động. Đào tạo nhân lực để thị trường lao động chấp nhận, chứ không phải đào tạo để sinh viên ra trường là xong.
Ông cũng cho rằng, việc đào tạo chất lượng cao cần mở rộng, các trường ngoài công lập có thể tham gia vào quá trình đào tạo để tạo ra một đội ngũ nhân lực đáp ứng cho yêu cầu đổi mới.
PGS Cần cho rằng với thực tế tuyển sinh của chúng ta nhiều năm nay chủ yếu nằm ở phương thức lựa chọn, tìm kiếm học sinh điểm cao để vào các trường đại học tốt. Đây là điều cần phải thay đổi.
“Tôi không tin những em điểm cao sẽ trở thành những sĩ quan tốt, bác sĩ giỏi, thầy giáo tốt… Vì vậy, đã đến lúc cần nghĩ đến một cách tuyển sinh mới hơn, để học sinh không ngộ nhận về bản thân, xã hội không có một suy nghĩ kiểu thí sinh 29 điểm mà trượt ĐH là một sự phi lý”- ông Cần nhấn mạnh.
29 điểm trượt đại học là phi lý, phải thay đổi cách tuyển sinh - ảnh 2
PGS Hoàng Minh Sơn 
PGS Hoàng Minh Sơn: Giáo dục là thị trường đặc biệt
PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đánh giá cao kết quả của kì thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH năm nay khi đổi mới phương thức thi xét tuyển, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xét tuyển ĐH,CĐ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, có một số bất cập trong kì thi tuyển sinh năm nay nhưng nhìn chung, sự bất cập này phần lớn thể hiện những bất cập đã tồn tại từ trước đến nay.
Ông Sơn cho rằng, năm nay các bài thi, đề thi chưa phân hóa tốt và ông hy vọng ban ra đề sẽ cải thiện được trong năm tiếp theo. Ngoài ra, việc xem xét điểm ưu tiên cần làm sao áp dụng phù hợp hơn với điều kiện mới.
“Vừa rồi, công tác xét tuyển trơn tru nhưng ở  một số trường tỉ lệ nhập học lại không kì vọng. Đây là bức tranh xét tuyển thể hiện đúng khi thí sinh được cung cấp thông tin đầy đủ hơn, nhìn rõ hơn chất lượng đào tạo cũng như chất lượng ngành nghề của các trường”- Ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, đã đến lúc chúng ta nhìn nhận thẳng thắn đào tạo hướng tới thị trường, giáo dục có thị trường đặc biệt, không thể đào tạo thiếu định hướng. Các trường phải có khảo sát thị trường việc làm của các ngành, các trình độ, và phân khúc nào thì phải xác định rõ.
Tuy nhiên ông Sơn cho rằng, nếu các trường đều đi khảo sát việc này sẽ rất tốn kém. Bộ GD&ĐT cần xây dựng trung tâm giúp đỡ các trường trong việc khảo sát thị trường lao động, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ở các trình độ, ngành nghề, phân khúc khác nhau thế nào. Như vậy, các trường có điều kiện tốt hơn trong tuyển sinh. Thông qua đó, các trường quay trở lại xác định chỉ tiêu, định hướng phát triển các ngành đào tạo, điều chỉnh sứ mạng của trường trong điều kiện mới.
29 điểm trượt đại học là phi lý, phải thay đổi cách tuyển sinh - ảnh 3
Ông Trần Văn Nam 
Ông Trần Văn Nam- Hiệu trưởng trường ĐH Đà Nẵng: Bộ nên yêu cầu các trường sư phạm lấy trên 20 điểm
Ông Trần Văn Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng sư phạm, đầu tiên, các tỉnh/ thành đều biết số lượng nhu cầu về dự báo nguồn nhân lực sư phạm.
Ông Nam cho rằng, việc giao chỉ tiêu hàng năm giao cho các trường như thế nào một cách phù hợp, có cơ sở để các trường có thể làm được, tránh tình trạng sinh viên đào tọa ra không có việc làm, tuyển dụng khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân thí sinh không tha thiết vào sư phạm.
“Các trường sư phạm phải có mức điểm quy định nhất định cho các trường sư phạm. Nên chăng, Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các trường sư phạm phải lấy trên 20 điểm mới đảm bảo. Mặt khác, nếu vào sư phạm toán thì yêu cầu môn toán phải trên 7 điểm”- Ông Nam cho hay.
Theo tienphong.vn