Xã hội
10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới: Thành tựu và thách thức
11:04 AM 29/10/2019
(LĐXH) – Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân triển khai các biện pháp tăng cường vai trò và sự tham gia của cả nam và nữ trong quá trình phát triển của đất nước. Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong.
Thời gian qua, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa  phương triển khai nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy công tác bình đẳng giới.
Hệ thốngchính sách pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa- xã hội. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ.
Nhiều tiến bộ tích cực trong lĩnh vực chính trị
Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, về cơ bản, tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cấp ủy, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng lên. Tỷ  nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng có sự tăng lên liên tiếp trong 03 nhiệm kỳ; nữ Đại biểu Quốc hội tăng 0,9% so với năm 1997 nhưng không bền vững. Đặc biệt, lần đầu tiên cóChủ tịch Quốc hội là nữ và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị.Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1% cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Phụ nữ đã tham gia lãnh đạo quản lý tại nhiều cơ quan, đoàn thể từ Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, tuy nhiên vẫn giữ tỷ lệ thấp.Trong quản lý hành chính, tỷ lệ nữ chiếm vị trí chủ chốt tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Mặc dù tính đến năm 2017 tỷ lệ số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 13/30 (chiếm 43%) tuy nhiên tỷ lệ nữ so với nam lãnh đạo tại các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đạt tương đối thấp 13/155 (chiếm 8%).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới
Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có chiều hướng tăng từ năm 2009 tới nay, tuy nhiên không đáng kể (4 điểm phần trăm) (chi tiết xem tại phụ lục đính kèm). Phụ nữ điều hành ¼ số doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo việc làm cho hơn 01 triệu lao động. Tính đến năm 2017, tỷ lệ nữ làm chủ cơ sở trên phạm vi toàn quốc đạt 27,8% trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1% (Điều tra Lao động việc làm 2017). Doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ thường tập trung ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ và tập trung lớn trong lĩnh vực dịch vụ (61,4%) và sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với doanh nghiệp do nam làm chủ (43,4% so với 36%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định từ 48% trở lên cho mỗi giới. Theo thống kê, tính chung giai đoạn 2011-2015, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 7,815 triệu lao động trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48% tổng số việc làm được tạo ra của cả nước. Nhiều địa phương, tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới năm 2015 đạt tỷ lệ hơn 60% như Bắc Ninh (67%), Thái Bình (62,8%), Đồng Nai (68%).
Từ năm 2011 đến nay, hàng năm, có khoảng từ 80-100 nghìn lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tập trung chủ yếu tại các thị trường như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông...trong đó, 35- 40% là nữ giới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; đồng thời tạo điều kiện cho lao động nữ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hội nhập và rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ.
Tỷ lệ nữ trong các cấp học Phổ thông trung học ngày càng tăng
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực và đào tạo, Luật giáo dục (Luật số 38/2005/QH11) cũng quy định Nam và nữ được hỗ trợ tạo mọi điều kiện để hoàn thành giáo dục phổ cập cũng như lựa chọn ngành nghề học tập và đào tạo.Luật giáo dục nghề nghiệp (2014) quy định nam nữ được quyền tự do lựa chọn ngành nghề đào tạo. Theo thống kê, tỷ lệ biết chữ của nữ giới (từ 15 tuổi trở lên) tăng từ năm 2002 đến nay tuy nhiên luôn thấp hơn nam giới 1-4%. Ở độ tuổi THCS tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở trẻ em trai cao hơn trẻ em gái (năm 2009 trai là 11,77% và gái là 10,52%; năm 2014 tương ứng là 8,57% và 7,5%).
Ký kết chương trình công tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội LHPNVN
Tỷ lệ nữ học sinh tham gia giáo dục phổ thông có sự ổn định trong 10 năm qua. Tại cấp tiểu học và THCS học sinh nữ chiếm tỷ lệ 47-48%, tuy nhiên tại cấp THPT tỷ lệ nữ học sinh tăng khoảng 3% trong 10 năm qua (từ 49,26% lên 53,54%) và tỷ lệ học sinh nam giảm tương ứng ở cấp học này (xem tại phụ lục đính kèm). Một phần nguyên nhân của tình trạng này là độ tuổi tham gia THPT (16-18 tuổi) nam học sinh nghỉ học để tham gia lao động. Do vậy thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cần xem xét đến tình trạng này nhằm đảm bảo quyền lợi cho nam giới vị thành niên trong tham gia học tập.
  Trong giai đoạn 2007 – 2015, số lượng sinh viên cả nam và nữ có sự gia tăng đáng kể. Tỷ lệ sinh viên nữ so với sinh viên nam có sự gia tăng, từ năm 2013 đến 2015 số lượng nữ sinh viên nhiều hơn số lượng nam sinh viên (xem tại phụ lục đính kèm).
Về đào tạo nghề cho lao động nữ khu vực nông thôn: trong 05 năm (2011-2015) đã có trên 3,5 triệu lao động nữ nông thôn được học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng (chiếm 43%) trong đó trên 2 triệu lao động nữ được hỗ trợ học nghề theo các chính sách, đề án (chiếm 46%).
Đặc biệt, số lượng nhà khoa học nữ chiếm tỷ lệ cao và tăng dần theo thời gian từ 41% năm 2011 lên 44,8% năm 2015. Nhà khoa học nữ làm chủ nhiệm các đề tài KHCN cấp quốc gia ngày càng tăng, số liệu tính đến năm 2016 có 19,2% đề tài cấp quốc gia do nhà khoa học nữ chủ trì. Nhiều nhà khoa học nữ đã được tôn vinh, được nhận các giải thưởng trong và ngoài nước. Từ năm 1980 tới năm 2016, sau 25 đợt xét, cả nước hiện có 10.774 giáo sư, phó giáo sư trong đó có 1.715 giáo sư và 9.059 phó giáo sư. Độ tuổi trung bình của giáo sư là 57,13, phó giáo sư là 50,88. Tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư là nam chiếm đa số tới 83,5%, nữ giới chỉ chiếm 16,5%. Giai đoạn 2012 – 2016, tỷ lệ nữ giáo sư trong cả nước là 8,4%, nữ phó giáo sư là 26,3%.
Tỷ lệ nữ sinh tham gia các kỳ thi quốc gia và quốc tế trong thời gian vừa qua cũng tăng lên đáng kể, nhiều nữ sinh đã đạt giải các trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Theo thống kê, năm 2015 tỷ lệ nữ trong tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95%, tiến sĩ 25,69%.
Các chính sách trong tham gia văn hóa, thông tin, thể dục thể thao dành cho nữ ngày càng được chú trọng
Ngày càng có nhiều chương trình về giới, phụ nữ và gia đình được chú trọng đầu tư. Về mặt nội dung, có thể thấy các chương trình đã tập trung cập nhật những vấn đề thời sự nóng bỏng và thiết thực nhất về giới. Hình thức và cách thức truyền tải đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận; việc lồng ghép nhận thức giới được đưa vào một cách khéo léo nhưng cũng rất cụ thể, rõ ràng. Nhiều thông điệp quảng cáo đã có những thay đổi, dần dần giảm bớt những định kiến giới truyền thống; ngày càng xuất hiện nhiều hình ảnh nam giới trong các thông điệp quảng cáo về công việc nội trợ trong gia đình.
Với mục tiêu bảo đảm BĐG trong lĩnh vực văn hóa và thông tin, trong 10 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan Thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt chức năng của mình là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, trong đó có tập trung tuyên truyền các nội dung về BĐG. Cùng với hệ thống các kênh của đài phát thanh, truyền hình Trung ương, hầu hết các địa phương đều có nội dung tuyên truyền về BĐG trên kênh phát sóng của mình.
Đặc biệt, Nhà nước rất chú trọng tới đời sống văn hoá của đồng bào ở các vùng dân tộc thiểu số thông qua việc tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ, đầu tư kinh phí để xây dựng nhà văn hoá. Các chương trình phát thanh và truyền hình về BĐG đã được thực hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc đã giúp đồng bảo dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn các chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta về bình đẳng giới. Thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn kiến thức giới cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, mạng lưới cán bộ truyền thông về BĐG ngày càng được thiết lập và duy trì, tiếp tục là kênh thông tin quan trọng giữa CQQLNN về BĐG với các cơ quan thông tấn báo chí. Nhờ đó, các sản phẩm văn hoá, thông tin mang định kiến giới đã từng bước giảm dần so với trước đây.
Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành luật
Bất cập trong lĩnh vực ý tế và nhức nhối nạn bạo lực gia đình
Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.Tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực. Mức giảm tỷ suất chết mẹ trong 10 năm qua còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.  Bên cạnh đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số địa phương còn khá lớn, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Hồng. Định kiến giới và tư tưởng thích con trai cùng với việc tiếp cận dễ dàng đến các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán sớm giới tính thai nhi, sinh con theo ý muốn và dịch vụ phá thai là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính gia tăng. Điều này sẽ làm nảy sinh các vấn đề bất cập trong lực lượng lao động và dân số của đất nước trong tương lai.
Ngoài ra, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội; song đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều chị em vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo nhất là khi người gây bạo lực là người thân; tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn. Trước thực trạng này Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em;hình thành đường dây Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; các kênh truyền thông đại chúng gia tăng thời lượng thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; lên án  hành vi xâm hại trẻ em. Các vụ việc xâm hại trẻ em được dư luận quan tâm, tồn đọng kéo dài thời gian qua đã được điều tra, khởi tố các vụ án, khởi tố bị can và xét xử nghiêm minh.

                                                                                          Hà Giang