Giáo dục - Nghề nghiệp
10 dấu ấn nổi bật của giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 – 2020
09:04 AM 01/01/2021
(LĐXHH)- Trong giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng cơ sở GDNN gắn với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Trao Huy chương và Bằng khen cho các thí sinh đạt giải tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai công tác năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động – TBXH) Nguyễn Thị Việt Hương đã thông tin về 10 dấu ấn nổi bật của GDNN trong giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể là:
  1. 1. Thống nhất quản lý nhà nước hệ thống GDNN với quy mô gần 2000 cơ sở GDNN. Đặc biệt sau hơn 20 năm kể từ khi tái thành lập Tổng cục, Quốc hội đã chính thức phân công Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về GDNN trong 1 đạo luật, tạo nền tảng vững chắc để duy trì ổn định và phát triển GDNN gắn với thị trường lao động và an sinh xã hội bền vững.
  2. 2. Cơ bản hoàn thiện thể chế hướng dẫn Luật GDNN. Đồng thời chủ động đề xuất những quy định mới trong Luật Giáo dục và Bộ Luật Lao động, với nhiều chính sách đổi mới, từ tổ chức, quản lý hệ thống cho tới quản trị cơ sở GDNN; đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo; bổ sung cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhà giáo, người học tạo khung pháp lý để tổ chức, quản lý và triển khai đào tạo GDNN theo 3 cấp trình độ; tạo diện mạo mới cho phát triển hệ thống GDNN.
  3. 3. Nhận thức về GDNN từ Trung ương tới địa phương, cơ sở GDNN và doanh nghiệp, từ cán bộ tới người dân thay đổi căn bản. Ngày càng nhiều gia đình chọn trường nghề cho con em theo học, dù đủ điểm học đại học; hệ thống các cơ sở GDNN cả cũ lẫn mới tin tưởng, hào hứng với khí thế mới.
  4. 4. Tuyển sinh giai đoạn 2016-2020 vượt kế hoạch (nhiều năm trước đó chỉ đạt 60-70%); kết quả phân luồng sau trung học, nhất là trung học cơ sở tốt hơn nhiều các năm trước, do vậy ngay cả năm 2020 này trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu kế hoạch.
  5. 5. Triển khai một số mô hình, cách làm mới mang tính đột phá: mô hình 9+, mô hình đào tạo chất lượng cao theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; tuyển sinh gắn với tuyển dụng; hội đồng kỹ năng ngành; đại sứ nghề…
  6. 6. Chất lượng và hiệu quả GDNN được nâng cao (năm 2019 chất lượng GDNN tăng 13 bậc, cao nhất trong ASEAN). Lần đầu tiên có huy chương bạc ở cuộc thi kỹ năng nghề thế giới sau 7 kỳ thi với 14 năm tham dự, xếp thứ 25/53 quốc gia, vùng lãnh thổ có thí sinh dự thi (15/63 quốc gia và vùng lãnh thổ không có huy chương)
  7. 7. Tổ chức nhiều sự kiện lớn thành công (Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Lễ Tuyên dương học sinh sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc; tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu xuất sắc; ngày hội khởi nghiệp quốc gia…)
  8. 8. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị riêng về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, thể hiện rõ vai trò, vị trí của GDNN không chỉ là vấn đề trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học, mà còn là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
  9. 9. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam là ngày 4-10 hàng năm để tôn vinh và lan tỏa giá trị của lao động có kỹ năng nghề, kêu gọi cộng đồng trách nhiệm đối với phát triển GDNN.
  10. 10. Dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng ghi nhận kết quả đạt được của GDNN, đồng thời, lần đầu tiên trong dự thảo văn kiện có dành sự quan tâm, định hướng rõ nét để phát triển GDNN trong thời gian tới.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương thông tin về 10 dấu ấn nổi bật của GDNN
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng đào tạo về cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo. Chính sách xã hội hóa khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động GDNN được đẩy mạnh. Phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDNN, gắn với kiểm soát chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước và sự giám sát của xã hội…
Những kết quả tích cực đạt được đã phản ánh những nỗ lực hiệu quả của toàn hệ thống GDNN thời gian qua. Xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin của xã hội, của doanh nghiệp, người dân và được lãnh đạo Chính phủ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Giai đoạn 2021 - 2025, phát triển GDNN được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội (2021 - 2025) và các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Chí Tâm